Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 81: [THƯ 81]: Thư trả lời cư sĩ Đường Đại Viên

Xem thư ông thấy nói đến chuyện làm học sinh, khó khiến người ta không bật cười. Nay tôi nêu một thí dụ. Ví như quan Ngự Y ở Thái Y Viện, phàm là sách thuốc, gốc bệnh, bí quyết xem mạch[39], đọc nhuần như gương sáng hiện bóng, nhưng đến lúc chẩn bệnh bèn rối beng không biết đường nào mà lần, chẳng biết nên dùng thuốc gì! Lời hỏi của ông chẳng khác với kiến thức của ông thầy thuốc ấy mảy may nào! Phật pháp vốn dạy người liễu sanh tử, chẳng phải chỉ là một kiểu nói năng cao siêu huyền diệu. Những kẻ tri kiến hèn kém kia dùng Triết học để nghiên cứu Phật pháp, ắt trước hết phải bảo cho họ biết duyên do Phật thuyết pháp là vì muốn đối trị tập khí của con người, rửa lòng gột ý, giữ vẹn luân thường, tận hết bổn phận, từ bi, nhân nhượng, đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành, đoạn Hoặc chứng Chân, liễu sanh thoát tử, tự lợi, lợi tha cùng chứng Chân Thường, tu tập dần dần, cho đến khi thành Phật đạo. Tất cả kinh giáo đều nhằm giảng rõ những sự lý như trên vừa nói. Nếu chỉ mong hiểu rõ, chẳng muốn thật hành, khác gì kép hát đóng tuồng, còn nói là học sinh được ư?

Như ai thiên tư thông minh, mẫn tiệp, nghiên cứu các tông Tánh, Tướng chẳng trở ngại gì, nhưng vẫn phải lấy pháp môn Tịnh Độ làm chỗ nương về, ngõ hầu chẳng đến nỗi có nhân không quả, biến diệu pháp liễu sanh thoát tử thành lời nói trơn tru ngoài miệng, không do đâu được lợi ích thật sự. Ắt phải trọng lòng kính, giữ lòng thành, xem kinh - tượng như vị Phật sống, chẳng dám chớm chút ý coi thường, ngõ hầu tùy lòng thành của mình lớn hay nhỏ sẽ được những lợi ích sâu hay cạn! Đối với người độn căn, hãy nên chuyên nghiên cứu pháp môn Tịnh Độ. Nếu quả thật tin cho tới nơi, giữ cho chắc, nhất định trong đời này sẽ liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, so với những kẻ hiểu sâu xa kinh luận chẳng thật hành pháp môn Tịnh Độ thì lợi ích đúng là khác biệt một trời một vực. Những điều vừa nói đó, bất luận là tư cách nào, lúc ban đầu cứ cho uống loại thuốc Một Vị này, bất luận những căn bệnh như tà chấp, thấy biết sai lầm, ngã mạn, phóng túng, đề cao thánh cảnh nhưng tự mình cam phận hèn kém, không bệnh nào kê thuốc A Già Đà Nhất Vị trị chung vạn bệnh này mà chẳng lành.

Ông học đầy một bụng Phật pháp, đối với hai loại học sinh ấy không biết làm sao? Cho thấy ông chỉ biết nói đến thuốc, chứ tự mình chưa từng thực hành. Nếu ông thực hành, trọn chẳng đến nỗi ôm mối nghi ấy. Xưa kia, có kẻ coi các ngài Văn Thù, Phổ Hiền như bè bạn ngang hàng, đều là do không thể phân biệt chân - ngụy, đến nỗi bối rối không biết làm sao, rất có thể coi ngụy là chân. Cha ông không thể ăn chay là do không chú tâm suy xét, quay trở lại quán thân. Nếu như thấy chính mình là con vật bị giết để ăn, sẽ trọn chẳng mong người ta giết mình ăn thịt. Nay có ngũ cốc để dưỡng mạng, vẫn còn muốn thỏa lòng tham, sanh tử chẳng xong, đến lúc bị người ta giết, thật đáng thương xót, nhưng không thể cứu giúp, buồn thay! Niệm Như đã xuống tóc, thọ giới, đương nhiên là chánh lý, cần gì phải chờ đợi! Chỉ cần xét kỹ tâm mình, và suy xét cảm tưởng trong lúc đối cảnh hằng ngày, nếu có thể tu dưỡng trong sạch bèn thành tựu Tăng tướng. Dù có gần gũi khí tượng ấy, nhưng nếu khó trọn cái tâm sắt son trăm lần vấp ngã chẳng lùi thì lấy chồng vẫn tốt hơn, Niệm Quang cũng vậy!

Trong một số báo nào đó, ông cho đăng tải những lời nghị luận của hai người Niệm Như, Niệm Quang, Quang tôi trọn chẳng cho đó là đúng. Dẫu quả thật đó là lời của bé gái chín tuổi nói thì không đăng báo có mất gì đâu! Nếu là viết thác ra như thế lại thành dối đời lừa người, trở thành trá ngụy. Nếu do chính những người đó viết thì chắc là tự kiêu, tự thị, trở thành ngã mạn. Đấy đều là vì ông gặp chứng bệnh không biết cách bốc thuốc vậy. Ông đã không coi Quang là vô tri thì Quang cũng chẳng ngại lấy vô tri làm hữu tri, thưa cùng ông: Ông trọn chẳng biết pháp tắc dạy người tiểu căn nên mới làm như vậy. Nếu ông biết sẽ trọn chẳng đăng báo! Hiển Ấm thiên tư cực thông minh, ông ta vốn háo thắng, háo danh, Đế pháp sư (ngài Đế Nhàn) chẳng thể cắt thuốc để đè nén cái bệnh phô trương, kiêu căng của ông ta, rồi sau ông ta đoản mạng chết đi. Đối với Niệm Quang, ông cũng giống như thế.

Cư sĩ Vô Đắc có cha già sáu mươi tuổi, có nên xuất gia chăng? Nếu không xuất gia không cách nào nghe pháp tu hành, vẫn có cách bổ cứu. Nay những rào ngăn đã rỡ bỏ[40], người tại gia nghiên cứu tu tập nhiều như rừng, mà lợi ích sanh về Tây Phương cũng thường có chuyện như thế, cần gì phải bỏ cha xuất gia? Quang tuyệt đối chẳng tán thành chuyện này. Dựa theo sự thực mà nói, trong việc tu hành hiện thời, tu tại gia vẫn tốt hơn, vì sao? Do hết thảy vô ngại. Người xuất gia có nhiều chướng ngại hơn người tại gia. Vì thế, những ai không thật sự phát đạo tâm đều trở thành phường hạ lưu, không ích lợi gì cho pháp, nhục lây đến Phật!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần thứ tư

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây