Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 215: Tự - Quyển 3 - Phần 1 - IV. Tự - 20. Lời tựa khắc lại bộ Giản Ma Biện Dị Lục

Người học đạo suy nghĩ lập hạnh đều phải chất trực, trung chánh, chẳng được có mảy may có tướng thiên vị, riêng tư, lươn lẹo. Nếu có chút thiên lệch, cong quẹo gì thì sẽ như bàn cân không chuẩn, cân các vật nặng - nhẹ đều sai. Như thể chất gương chẳng sạch, chiếu các hình tượng khó thể phân biệt tốt - xấu. Sai chỉ hào ly, mất đi ngàn dặm! Xoay vần sai lầm, không thể ngăn dứt được! Kinh Lăng Nghiêm nói: “Mười phương Như Lai đồng một đạo, nên thoát lìa sanh tử đều dùng trực tâm”. Do bảo tâm là trực (ngay thẳng) nên từ địa vị đầu đến địa vị cuối, trong những địa vị trung gian, vĩnh viễn chẳng có tướng cong quẹo. Kinh Thư nói: “Tâm con người khi gặp hoàn cảnh quyến rũ thì tâm đạo bị nhỏ đi, hãy tập trung tư tưởng, chuyên nhất [gìn giữ đạo tâm], giữ cho thiên tánh không đổi dời[55]”.Pháp Tạng[56] đời trước, vốn có linh căn cho nên đời này giải ngộ và kiến địa đều chẳng nông cạn. Nhưng do cái gốc ngã mạn sâu xa, muốn làm bậc cao nhân thiên cổ đệ nhất, tự mình lập bừa ra những tông chỉ, danh tướng, viết bộ Ngũ Tông Nguyên những mong hậu học suy tôn ông ta, rốt cuộc trở thành tri kiến của tà ma, ngoại đạo. Nếu như khi ấy cứ một bề vâng giữ trực tâm trực hạnh, ắt sẽ thấy trong hội của ngài Mật Vân[57] không ai bằng được, đạo phong lừng lẫy khó gì chẳng vượt trội các phương! Tiếc là ông ta chẳng chú trọng thực ngộ, thực chứng, lại mưu tính, lập cách để mình được vượt trội hết thảy, khiến cho ngài Mật Vân ba lần, bảy lượt quở trách để uốn nắn ông ta!

Con người chẳng phải là thánh hiền, ai không vướng lỗi? Nếu thật sự là người anh hùng, quả cảm sẽ tự hổ thẹn, sám hối, biết lỗi sửa lỗi, cầu thật ngộ, thật chứng, thì pháp mạch Lâm Tế, Như Lai huệ mạng sao không trực tiếp truyền thừa cho được? Lẽ đâu dựng cao tràng kiêu mạn, giữ dở, che lỗi, khiến cho những gã học trò như Hoằng Nhẫn v.v… càng thêm cuồng vọng, phô phang ý kiến ức đoán của chính mình, viết sách Ngũ Tông Cứu, biến chánh thành tà, biến tà thành chánh, báng pháp, báng tăng, tự lầm, lầm người. So với Pháp Tạng, lại càng sâu nặng gấp mười. Kẻ đui dẫn lũ mù, kéo nhau vào lửa. Ôi! Đáng buồn thay! Đương thời, Pháp Tạng, Hoằng Nhẫn mặc tình tô vẽ, khiến cho môn đình rất thạnh, hàng sĩ đại phu đa phần thành ngoại hộ. Do vậy, những tà thuyết lầm lạc trong các bộ ngữ lục Ngũ Tông Nguyên, Ngũ Tông Cứu của cha con họ đều được đưa vào Đại Tạng.

Đến năm Ung Chánh thứ mười một (1733), Thanh Thế Tông muốn tuyển chọn ngữ lục, đọc khắp các trước tác của họ, biết họ mang ý kiến lầm lạc, đến nỗi làm mù chánh nhãn của người khác, bèn truyền hủy sạch những bản ấy. Lại sắc truyền các tùng lâm trong thiên hạ, phàm có sách hay ván in sách ấy, phải hủy trừ cho hết. Nếu giấu diếm, bị phát giác sẽ kết tội phạm luật. Lại sợ có người bị trúng độc sâu xa, không thể ói ra hết được, do sách Ngũ Tông Cứu cuồng vọng, trái nghịch quá mức, vua bèn trích lục hơn tám mươi điều [từ sách ấy], vạch trần, phê phán từng điều, truyền đưa vào Đại Tạng hòng mở con mắt chánh cho người, báo ân Phật, ân Tổ. Nhưng do muôn vàn điều không rảnh rỗi, đến mùa Xuân năm Ung Chánh 13 (1735) mới hoàn thành bản cảo, chưa sửa chữa hoàn chỉnh, xe rồng đã lên làm khách cõi trời. Cao Tông (Càn Long) kế vị, mới cho khắc ván. Chỉ vì chẳng giao phó cho người thông hiểu, nên với những chữ viết giả tá theo lối chữ Thảo đa phần sửa thành lối chữ Chân Phương, chẳng hạn như chữ Vị 謂 (nói) sửa thành chữ Vị 為 (vì), nhiều đến hơn cả trăm chỗ[58]. Những kinh sách được Thế Tông khắc in đều giảo chánh, đối chiếu tinh xác, nghiêm cẩn, chỉ có mình sách này sai ngoa quá nhiều. Do vậy, biết sách ấy được khắc sau khi nhà vua đã lên làm khách cõi trời.

Hơn nữa, mùa Xuân năm Ung Chánh thứ 13, khởi công khắc ván Đại Tạng Kinh, vua đã truyền dụ đem sách này nhập Tạng để lưu thông, nhưng rốt cuộc không nhập, là vì Cao Tông lên ngôi chưa lâu, chuyên lo chánh trị, không rảnh rang đề xướng. Còn những hàng Tăng tục khác thì do đồ đảng của Pháp Tạng quá đông, nên đều sợ nếu đề xướng [nhập tạng sách này] ắt phải chuốc họa. Do vậy, gác lại không bàn đến, cho nên không nhập. Bản ván khắc sách của triều đình được giữ trong đại nội, trừ phi hoàng đế hạ chỉ, không cách nào ấn loát được. Vì thế, sách này chẳng được lưu truyền trong đời. Nhưng pháp bảo này ắt có thần, vật thủ hộ, khiến cho sách được giấu kín đã lâu lại xuất hiện, được lưu truyền rộng rãi. Nhân duyên này được ghi đầy đủ trong lần in thạch bản. Nay tính khắc lại bản gỗ, bèn lắng lòng giảo duyệt, hòng khôi phục lại bản lai diện mục cho tác phẩm của Thế Tông. Cư sĩ Ưng Quý Trung nguyện bỏ tiền khắc lại, nên tôi bèn viết lời tựa nêu rõ đầu đuôi để thuật cùng người thông suốt trong mai sau.

Phàm muốn liễu sanh thoát tử, ắt phải thật chứng. Nếu chỉ ngộ chưa chứng thì Phiền Hoặc vẫn còn, phải nỗ lực vô cùng. Nếu có thể khăng khắng dốc sức, trải duyên rèn luyện, tâm luôn giác chiếu, thầm phù hợp thánh trí, phàm tình nhân ngã thị phi không do đâu khởi được. Nếu chẳng gắng giác chiếu, phàm tình vẫn cứ lừng lẫy như cũ thì công hạnh càng cao, tình kiến càng nặng; từ ngộ nhập mê sẽ khó thể tránh khỏi! Như người tỉnh ngủ không ngồi dậy, hồi lâu sau lại ngủ tiếp. Cổ nhân nói: “Đại sự đã sáng tỏ, như chôn cha mẹ”[59].Chính là vì Phiền Hoặc chưa đoạn, chỉ sợ lại mê. Phải biết người đoạn Hoặc, không còn phàm tình. Đã không còn phàm tình, nào còn có sanh tử? Người đại ngộ dẫu ngộ bằng chư Phật, nhưng Hoặc chưa đoạn trừ thì phải niệm niệm giác chiếu, hầu tránh khỏi dùng phàm tình xử sự.

Cha con Pháp Tạng, Hoằng Nhẫn, tuy ngộ xứ cao sâu, nhưng chỉ vì ngã mạn quá đáng đến nỗi hoàn toàn bị vùi lấp trong tình kiến nhân ngã, lại toan muốn làm bậc cao nhân đệ nhất nối tiếp huệ mạng Phật, đến nỗi một phen lầm lẫn vĩnh viễn lầm lạc, không sao quay lại được! Dốc cạn trí lực, chỉ thành thân phận một kẻ tầm thường, chẳng đáng buồn ư? Như Lai biết sâu xa chúng sanh đời mạt Phiền Hoặc khó đoạn nên riêng mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ khiến cho lúc lâm chung được Phật tiếp dẫn, vãng sanh Tây Phương. Đã được vãng sanh liền siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, hầu cận Di Đà, theo gót hải chúng. Từ đấy phá trọn vô minh, triệt chứng tự tâm, thẳng đến khi thành Phật mới thôi. Nếu như Pháp Tạng, Hoằng Nhẫn biết được điều này, ắt sẽ thượng phẩm thượng sanh, chứng Vô Sanh Nhẫn, hiện đủ mọi sắc thân, rộng độ quần mê. Đâu đến nỗi bóng bẩy, màu mè, mong được hư danh vượt Phật trội Tổ, muốn lưu danh thơm trăm đời! Lúc bị người sáng mắt thấy thấu suốt, bèn lộ tiếng tà ma ngoại đạo, để tiếng xấu muôn năm! Ô hô, buồn thay!

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao,

Quyển thứ ba

(Phần 1 hết)



[1] Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện, có câu: “Nhược nhân tán loạn tâm, nhập ư tháp miếu trung, nhất xưng nam-mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo”(Nếu ai tâm tán loạn, vào trong nơi tháp miếu, niệm mô Phật một tiếng, đều đã thành Phật đạo)

[2] Tam thừa ngũ tánh: Tam thừa là Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát. Ngũ tánh: Theo Hoa Nghiêm Kinh Sớ, chúng sanh có năm chủng tánh thành Phật bất đồng:

1) Bất định tánh: Tức căn tánh không nhất định, gần gũi Thanh Văn thì tu pháp Thanh Văn, gần Duyên Giác bèn tu pháp Duyên Giác v.v…

2) Vô chủng tánh tức hạng người không có chánh tín, thiện căn, bác không nhân quả, chẳng cầu giải thoát.

3) Thanh Văn Tánh.

4) Duyên Giác tánh.

5) Bồ Tát tánh.

Duy Thức Học lại phán định Ngũ Tánh như sau:

1) Bồ Tát Định Tánh

2) Thanh Văn Định Tánh

3) Duyên Giác Định Tánh

4) Tam Thừa Bất Định Tánh

5) Vô Tánh Hữu Tình.

Ba chủng tánh đầu quyết định thành tựu thánh quả, hai chủng tánh sau không nhất định.

[3] Bộ luận này được xếp vào tập 47 trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, đánh số 1974. Nội dung gồm hai mươi hai môn, môn đầu tiên chính là phần Y Báo Chánh Báo Cực Lạc được Tổ nhắc đến trong lời tựa trên đây. Quyển thượng gồm chín môn như Cực Lạc Y Chánh, Phá Vọng Hiển Chân, Ha Mậu Giải (quở trách kiến giải sai lầm) v.v… chú trọng về phương diện lý luận, đả phá quan điểm hẹp hòi, chấp trước vào Thiền, vào Lý, biện giải Cực Lạc là cõi chân thật không phải là hóa thành v.v… Quyển thứ hai gồm 13 môn, phân tích tỉ mỉ đường lối, phương pháp, khắc trừ chướng ngại, cũng như lược nêu công hạnh của chư Tổ Tịnh Độ tông. Bài “mười điều tâm niệm” thường thấy trong các tùng lâm Việt Nam được trích từ tác phẩm này.

[4] Ngài U Khê là một vị cao tăng thuộc tông Thiên Thai. Sanh vào năm 1554 nhằm đời Gia Tĩnh nhà Minh, là người huyện Tây An, phủ Cù Châu, tỉnh Chiết Giang, pháp tự Vô Tận, pháp hiệu Hữu Môn. Lúc nhỏ lễ ngài Hiền Ánh Am thiền sư xin thế độ, sau theo ngài Bách Tùng Chân Giác nghe giảng kinh Pháp Hoa, học Thiên Thai Giáo Quán Tông. Năm 1582, nhân hỏi ngài Bách Tùng về yếu chỉ đại định, bị Sư trừng mắt nhìn, đột nhiên khế ngộ. Ngài Bách Tùng bèn truyền cho kim vân tử ca-sa. Năm Vạn Lịch 15 (1587), về trụ tích tại chùa U Khê Cao Minh trong núi Thiên Thai, giảng dạy học trò, nghiên cứu, tu tập Thiền và Tịnh Độ. Thế gian gọi Ngài là U Khê Đại Sư từ đó. Sư thường tu các pháp sám Pháp Hoa, Đại Từ, Kim Quang Minh, Di Đà, Lăng Nghiêm v.v… Mỗi năm cử hành tu bốn thứ tam-muội, luôn đem thân làm gương đốc suất đại chúng. Khi Ngài đang giảng pháp, đại chúng chợt nghe có tiếng nhạc trời réo rắt, Sư biết đã đến lúc, giảng xong, bèn viết năm chữ “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”, lớn tiếng xướng tựa đề kinh hai lượt, rồi nghiễm nhiên thị tịch, hưởng 75 tuổi. Ngài còn để lại các tác phẩm Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận, Lăng Nghiêm Kinh Huyền Nghĩa, Tánh Thiện Ác Luận, A Di Đà Kinh Lược Giải Viên Trung Sao, Duy Ma Kinh Vô Ngã Sớ, Thiên Thai Truyền Phật Tâm Ấn Ký Chú, Tịnh Độ Pháp Ngữ, Thiên Thai Sơn Phương Ngoại Chí, Quán Kinh Đồ Tụng.

[5] Tứ Đức là thường - lạc - ngã - tịnh.

[6] Bảo sở: Kinh Pháp Hoa, phẩm Hóa Thành có nêu thí dụ một người dẫn đường, khéo thông hiểu phương tiện, dẫn đại chúng đến chỗ có kho báu (bảo sở). Đại chúng đi đường xa, chán mệt, muốn bỏ về, vị hướng đạo bèn hóa ra cái thành cho đại chúng nghỉ ngơi. Khi mọi người đã nghỉ khỏe, liền nói: “Đây chỉ là hóa thành, chưa phải bảo sở chân thật”. Bảo sở ví như Phật quả, hóa thành ví như những địa vị trong tam thừa.

[7] Lúc bố thí thấy người bố thí, người nhận, vật dùng để bố thí cả ba thứ vốn đều không.

[8] Nam Nhạc Huệ Tư (515-577) là cao tăng thời Nam Bắc Triều, người xứ Vũ Tân (nay thuộc tỉnh Hà Nam), thường được người đời gọi là Nam Nhạc tôn giả, hay Tư Đại Hòa Thượng. Ngài là vị tổ sư đời thứ hai của tông Thiên Thai (có thuyết nói là tam tổ). Ham thích Phật pháp từ nhỏ, rất quý mến kinh Pháp Hoa, từng mang kinh vào nghĩa trang đọc tụng. Ngài đọc kinh, nhỏ lệ ròng ròng. Trong mộng thấy Phổ Hiền Bồ Tát đến xoa đầu. Do vậy, đỉnh đầu nổi lên nhục kế. Sau khi xuất gia Ngài đến tham yết Huệ Văn thiền sư ở Hà Nam, được truyền pháp quán tâm. Có lần do than thở bản thân đã để luống uổng thời gian vẫn chưa chứng ngộ, mệt mỏi dựa mình vào vách, bèn hoát nhiên đại ngộ. Ngài là người đề xướng quan điểm Phật pháp đã bước vào thời kỳ suy vi, cần xác lập tín ngưỡng Tịnh Độ Di Đà và Tịnh Độ Di Lặc. Tuy chú trọng hành Thiền thực tiễn, Sư vẫn quan tâm nghiên cứu nghĩa lý. Năm 554, Sư đến Quang Châu, đi khắp nơi thuyết pháp suốt mười bốn năm. Ngài được ngưỡng vọng cũng lắm, mà bị kẻ đố kỵ phỉ báng cũng nhiều. Tại núi Đại Tô ở phía Nam tỉnh Hà Nam, Sư truyền pháp cho sư Trí Khải là học trò kiệt xuất nhất trong các môn đệ. Năm 568, Sư vào vùng Hành Sơn (Nam Nhạc) tỉnh Hồ Nam, ở lại đó suốt 10 năm thuyết pháp, nên được người đời gọi là Nam Nhạc tôn giả. Sau Tuyên Đế lễ thỉnh Sư hỏi đạo, gọi ngài là Đại Thiền Sư. Năm Thái Bình thứ chín, Sư nghiễm nhiên tọa hóa, thọ sáu mươi ba tuổi. Những trước tác của Ngài đa phần là do môn đồ ghi chép lại, nổi tiếng nhất là các bộ Pháp Hoa Kinh An Lạc Hạnh Phẩm Nghĩa, Chư Pháp Vô Tranh Tam Muội Pháp Môn, Đại Thừa Chỉ Quán Pháp Môn, Tứ Thập Nhị Tự Môn, Thọ Bồ Tát Giới Nghi.

[9] Tứ tướng là tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.

[10] Tổ Ấn Quang pháp húy là Thánh Lượng.

[11] Bổn: có thể tạm hiểu Bổn là quả vị chứng đắc thật sự, còn Tích là sự thị hiện. Thể là bản chất, còn Dụng là tác dụng, hoặc Thể là bản tánh, là thật quả, còn Dụng là tác dụng hóa độ, tùy cơ hiện tướng ứng hóa.

[12] Chước là đơn vị đo lường dung tích rất nhỏ.

[13] Nhà Lương thời Ngũ Đại do Châu Ôn sáng lập nên sử gọi là Châu Lương để phân biệt với nhà Tiền Lương của Lương Võ Đế (Tiêu Diễn) thuộc thời Nam Bắc Triều.

[14] Ý nói tài chữa bệnh rất giỏi. Khi xưa, những người giỏi về một tài nghệ nào thường được gọi là quốc thủ, chẳng hạn người đánh cờ vây giỏi cũng được xưng là “vi kỳ quốc thủ”.

[15] Dựa theo ý câu thơ cổ: “Nhật lạc tang du”(mặt trời lặn bên nương dâu) diễn tả cảnh chiều tà. Sau này thơ văn thường dùng chữ “nương dâu” để chỉ tuổi già.

[16] Gọi là Châu Dịch vì người Trung Hoa tin rằng từ thời Phục Hy đã có kinh Dịch. Theo truyền thuyết, ngay từ thời nhà Hạ, kinh Dịch đã được chú giải với tên gọi là Liên Sơn Dịch. Qua đời Thương được diễn giải bổ sung thêm, gọi là Quy Tàng Dịch. Các bản này bị thất truyền. Châu Văn Vương là người tinh thông Dịch Lý và diễn giải kinh Dịch một cách có hệ thống, hệ thống này về sau lại được Khổng Tử san định lần nữa, và thường gọi là Châu Dịch.

[17] Theo từ điển Từ Hải, Hồng Phạm là một bộ cổ thư giảng về đại pháp trong thiên hạ.

[18] Đạo Chích là một tên trộm nổi danh thời cổ.

[19] “Linh minh đỗng triệt, trạm tịch thường hằng”: Đây là tám chữ tổ Liên Trì dùng để giảng về chân tánh. Trong bộ A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, pháp sư Cổ Đức đã giảng như sau: “Linh minh là thuần chân, linh minh chiếu suốt thấu trọn vẹn (đỗng triệt). Bản thể của Chiếu là trọn khắp mười phương. Trạm tịch là Tịch nhưng thường hằng, ý nói: bản thể của Tịch là thông suốt ba đời”. Nói cho dễ hiểu hơn: Tịch là tâm tánh thường tồn, chẳng nhiễm, không bị trần cảnh lay động, còn Chiếu là tác dụng quán sát, nhận biết của tâm nhưng không vướng mắc. Cổ nhân thường ví tâm như gương. Gương trong suốt, không nhơ (đó là Tịch), vật gì đến trước gương đều hiện bóng (đó là Chiếu). Hiện bóng nhưng không giữ lại vật gì (Chiếu mà thường Tịch), không giữ lại vật gì nhưng không gì chẳng hiện bóng trong gương (Tịch mà thường Chiếu).

[20] Viên âm: âm thanh viên mãn. Đức Phật dùng một âm thanh thuyết pháp mà mỗi loài nghe thấy đức Phật nói bằng ngôn ngữ của loài mình. Đức Phật nói một chữ mà tùy theo căn tánh người nghe sẽ hiểu vô lượng nghĩa. Do vậy, gọi âm thanh thuyết pháp của Phật là “viên âm”.

[21] Kiến Hoặc, Tư Hoặc, Trần Sa Vô Minh Hoặc là Tam Hoặc.

[22] Tứ trí: Còn gọi là Tứ Chủng Trí, tức bốn trí nơi Phật quả là Đại Viên Kính Trí, Bình Đẳng Tánh Trí, Diệu Quán Sát Trí, và Thành Sở Tác Trí. Tứ Trí do tám thức chuyển thành; thức thứ tám chuyển thành Đại Viên Kính Trí, thức thứ bảy chuyển thành Bình Đẳng Tánh Trí, thức thứ sáu thành Diệu Quán Sát Trí, và năm thức trước trở thành Thành Sở Tác Trí. Mật Giáo còn đặt thêm một trí nữa là Pháp Giới Thể Tánh và mỗi trí được biểu hiện bằng một vị Phật. Trong Kim Cang Giới, Pháp Giới Thể Tánh Trí là Phật Tỳ Lô Giá Na, Đại Viên Kính Trí là A Súc Bệ Phật (Bất Động Phật), Bình Đẳng Tánh Trí là Bảo Sanh Phật, Diệu Quán Sát Trí là A Di Đà Phật, và Thành Sở Tác Trí là Bất Không Thành Tựu Phật. Trong Thai Tạng Giới, Đại Viên Kính Trí là Bảo Tràng Phật, Bình Đẳng Tánh Trí là Khai Phu Hoa Phật, Diệu Quán Sát Trí là Vô Lượng Thọ Phật, Thành Sở Tác Trí là Thiên Cổ Lôi Âm Phật.

[23] Tôn giả Tân Đầu Lô Phả La Đọa là một vị đại đệ tử của đức Phật. Do Ngài hiển lộ thần thông tranh tài cùng ngoại đạo nên đức Phật cấm Ngài nhập diệt, phải thường trụ trong thế gian để làm phước điền cho nhân thiên. Những buổi lễ Trai Tăng nếu được tổ chức chí thành, Ngài sẽ thị hiện thân phàm tăng đến thọ cúng.

[24] Tống Văn Hiến Công là Tống Liêm (1310-1381), tự Cảnh Liêm, hiệu Tiềm Khê, biệt hiệu Huyền Chân Tử, là người huyện Bồ Giang, tỉnh Chiết Giang, là một đại văn học gia đầu thời Minh. Tuổi thơ bần hàn, nhưng hết sức hiếu học. Từng theo học với các bậc đại danh gia như Ngô Lai, Liễu Quán, Hoàng Tấn v.v... Ông suốt đời cần cù học hành, chưa một ngày nào tay rời sách, từng ba lần đọc hết Đại Tạng Kinh. Ông được Nguyên Thuận Đế vời ra làm Hàn Lâm Viện Biên Tu, nhưng nại cớ còn cha già phải phụng dưỡng để từ tạ. Khi Châu Nguyên Chương diệt Mông Cổ, xưng đế, lập ra nhà Minh, ông được đề cử làm người giảng kinh sách cho nhà vua. Năm Hồng Vũ thứ hai (1369), ông vâng chiếu, chịu trách nhiệm chính biên tập bộ Nguyên Sử. Quan thăng dần đến chức Hàn Lâm Viện Thừa Chỉ, chuyên soạn chiếu chỉ cho nhà vua. Năm Hồng Vũ thứ 10 (1377), cáo quan hồi hưu. Về sau, do con trưởng là Tống Thận dính líu vào vụ án Hồ Duy Dung, toàn gia bị đày đi Mậu Châu. Ông mất trên đường đi lưu đày. Trước tác của ông rất phong phú, còn để lại bộ Tống Học Sĩ Văn Tập (hoặc Tống Văn Hiến Công Toàn Tập) rất đồ sộ. Châu Nguyên Chương từng gọi ông là khai quốc công thần trong giới văn quan. Bộ Hộ Pháp Lục do chính ngài Liên Trì thâu thập những đoạn luận về Phật pháp từ những trước tác của Tống Liêm. Bộ sách này được Tiền Khiêm Ích giảo đính.

Tiền Khiêm Ích tự là Thụ Chi, hiệu Mục Trai, biệt hiệu Đông Giản Di Lão, là một văn gia nổi tiếng vào cuối đời Minh, một trong những lãnh tụ của Đông Lâm Văn Đàn Tế Tửu, ông cùng với Ngô Vĩ Nghiệp và Cung Đỉnh Tư được xưng tụng là Giang Tả Tam Đại Gia. Giang Tả là vùng hạ lưu sông Dương Tử, thuộc địa phận tỉnh Giang Tô ngày nay. Đông Lâm là một học viện lập ra thời Tống gọi là Đông Lâm Thư Viện ở thành phố Vô Tích (nay thuộc Giang Tô). Thời Vạn Lịch nhà Minh, Cố Hiến Thành tu chỉnh lại thư viện này và cùng Cao Phàn Long dạy học tại đây. Vì họ phê bình triều chính nên nhiều sĩ đại phu tụ tập, tham dự vào nhóm này. Khi thái giám Ngụy Trung Hiền thao túng triều chính, rất căm ghét đảng Đông Lâm, ra sức truy bức những lãnh tụ đảng Đông Lâm, nên Tiền Khiêm Ích từng bị đi tù.

[25] Trần sát là một thuật ngữ trong kinh Hoa Nghiêm, diễn tả số cõi nước Phật nhiều như số vi trần.

[26] Tứ thánh là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật. Lục phàm là trời, người, A Tu La, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục.

[27] Tiên chú: Chú thích, giải thích ý nghĩa kinh điển.

[28] Huấn hỗ là giải thích ý nghĩa văn tự: Từ giải thích từng chữ đến giải thích trọn vẹn ý nghĩa cả đoạn văn, cả chương sách. Vận dụng những từ ngữ bình dị, thông dụng để giải thích những văn chương, trước tác phức tạp.

[29] Nguyên văn “giác thế phiến dân”(làm cho cõi đời tỉnh giác, khai thông dân trí).

[30] Nói gọn của câu “Hồ đến Hồ hiện, Hán đến Hán hiện”

[31] Ni Sơn là tên một ngọn núi ở quê Khổng Tử. Cha mẹ Ngài cầu tự được Ngài từ núi này nên Khổng Tử có tên tự là Trọng Ni.

[32] Trụ Sử là gọi tắt của Trụ Hạ Sử, là một chức quan thời nhà Châu, nhà Tần, tương đương với chức quan Ngự Sử thời Hán. Lão Tử Lý Đam từng làm chức quan này thời Châu. Như vậy, Trụ Sử ở đây chính là Lão Tử.

[33] Tứ Thủy là tên một con sông ở tỉnh Sơn Đông, chảy qua huyện Khúc Phụ, quê hương Khổng Tử. Khổng Tử là người nước Lỗ (nay thuộc địa phận tỉnh Sơn Đông). Sau khi tạ thế, Ngài được chôn cạnh sông Tứ Thủy. Ở Sơn Đông, nay cũng có huyện Tứ Thủy. Như vậy, “dùng tâm pháp Linh Sơn Tứ Thủy” chính là dùng tâm pháp của Phật và Nho.

[34] Giải cấu: Vô tình gặp gỡ nhau. Truyện Kiều có câu: “May thay giải cấu tương phùng. Gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa”.

[35] Tức bài ký Du Tịnh Ý Gặp Táo Quân, là một tác phẩm khuyên đời, không rõ ai là tác giả, có nội dung khuyên con người tin sâu nhân quả, vui theo mạng trời, cải ác hướng thiện.

[36] Ba thứ pháp môn ở đây chỉ Âm Chất Văn Quảng Nghĩa, phần trích lục từ Liễu Phàm Tứ Huấn và bài ký Du Tịnh Ý.

[37] Giác Hoàng là một danh hiệu tôn xưng đức Phật, có nghĩa là vị giác ngộ tối thắng nhất.

[38] Nguyên văn là “tồn dưỡng”, ngụ ý tu dưỡng, kiềm chế vọng niệm, huân tập thiện niệm, thiện tâm.

[39] Nhan Tử tức Nhan Hồi (Nhan Uyên), một người học trò nổi tiếng của Khổng Tử. Theo sách Luận Ngữ, Nhan Uyên hỏi Khổng Tử thế nào là khắc kỷ giữ lễ, Khổng Tử đáp: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”(phi lễ thì không ngó, phi lễ thì không nghe, phi lễ thì không nói, phi lễ thì không làm). Bốn điều này về sau thường gọi là “Nhan Tử tứ vật” (bốn điều không của Nhan Uyên).

[40] Tăng Tử tên là Sâm, tự Tử Dư, là người học trò khác của Khổng Tử. Theo sách Luận Ngữ, ông thờ mẹ chí hiếu, mỗi ngày thường tự ba lần phản tỉnh để xét lỗi mình. Tuy tư chất không thông duệ bằng những học trò khác, ông được coi là người thực sự nắm được đạo trung thứ của Khổng Tử.

[41] Trần điểm kiếp: Số kiếp nhiều như vi trần.

[42] Theo Dịch Học, tiên thiên là những gì bẩm sinh, hậu thiên là những gì do nuôi dưỡng, đào tạo mà có. Như vậy, câu này có thể hiểu là đạo của Khổng Tử chẳng trái với bẩm tánh của con người, dùng để giáo dục con người thì lại hợp thời.

[43] Liêm chính là Liêm Giang, còn có tên là An Viễn Giang, thuộc vùng Tây Nam tỉnh Giang Tây. Lạc là Lạc Thủy, một con sông ở vùng Thiểm Tây. Chữ Quan có thể hiểu nhiều nghĩa, nếu hiểu là Quan Đông thì là vùng Đông Bắc Trung Quốc, còn Quan Trung lại là vùng đất Tứ Xuyên. Mân là tỉnh Phước Kiến. Theo ngu ý, bốn chữ này dùng để chỉ những nơi trọng yếu của Trung Quốc.

[44] Xuân huyên (cha mẹ): Theo từ điển Từ Hải, Xuân là một loại cây thân mộc, rụng lá vào mùa Đông, lá non có mùi thơm có thể ăn được, chất gỗ cứng chắc, có thể chế thành đồ dùng. Theo truyền thuyết, cây Xuân sống lâu hơn tám ngàn năm nên thường được ví cho cha với ý nghĩa chúc thọ. Do vậy, cha còn được gọi là Xuân Đình. Vì chữ Xuân 椿tự dạng khá giống với chữ Thung 樁nên thường bị dùng lẫn với chữ Thung. Huyên萱 (Huyên Thảo, tên khoa học là Hemerocallis fulva), còn gọi là Vong Ưu Thảo, Nghi Nam Thảo, hoặc Kim Châm Thảo. Chỗ mẹ ở thường trồng loại cỏ này nên mẹ còn được gọi là “huyên đường”. Người Trung Hoa thường dùng câu “xuân huyên tịnh mậu”(cây xuân lẫn cỏ huyên cùng tươi tốt) để chúc tụng cha mẹ luôn khỏe mạnh.

[45] Kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện có câu: “Nếu người tâm tán loạn, chỉ dùng một cành hoa, cúng dường nơi tượng vẽ, dần thấy vô số Phật. Hoặc có kẻ lễ bái, hoặc lại chỉ chắp tay, cho đến giơ cánh tay, hoặc chỉ khẽ cúi đầu, dùng đó cúng dường tượng, tự thành vô thượng đạo”…

[46] Ngũ Trùng Huyền Nghĩa: là năm tầng huyền nghĩa để giải thích một bộ kinh do ngài Thiên Thai Trí Giả đề ra, gồm: thích danh, biện thể, minh tông, biện dụng, phán giáo (giải thích đề mục kinh, biện luận bản thể của kinh, nêu rõ tông thú của kinh, luận về công dụng của kinh, phán định kinh này thuộc về giáo pháp nào trong Ngũ Thời Giáo, Tứ Hóa Nghi). Xin xem bộ A Di Đà Kinh Yếu Giải để hiểu rõ hơn về Ngũ Trùng Huyền Nghĩa.

[47] Ngài Trạm Nhiên (711-782), là cao tăng đời Đường, là Tổ thứ năm của tông Thiên Thai. Ngài là người xứ Kinh Khê, Thường Châu (nay thuộc tỉnh Giang Tô). Cả nhà theo Nho, mình Ngài học Phật. Năm 17 tuổi học Thiên Thai Chỉ Quán với sư Kim Hoa Phương Nham. Năm 20 tuổi theo học với ngài Tả Khê Huyền Lãng, học giáo nghĩa Thiên Thai. Năm 38 tuổi, xuất gia tại Hưng Tịnh Lạc Tự. Sư lại đến Triệu Châu học Luật với ngài Đàm Nhất. Sau về Ngô Quận, giảng bộ Ma Ha Chỉ Quán. Khi ngài Huyền Lãng tịch, Sư được chúng đề cử lãnh chúng. Sư tự đặt cho mình trách nhiệm trung hưng tông Thiên Thai, đề xướng thuyết “hữu tình lẫn vô tình đều có Phật tánh”.Các đời vua Đường như Huyền Tông, Túc Tông, Đại Tông nhiều lần xuống chiếu thỉnh Sư nhập cung dạy pháp, nhưng Ngài đều cáo bệnh không đến. Sư nhập diệt vào tháng Hai năm Kiến Trung thứ ba, thọ bảy mươi hai tuổi, pháp lạp 43 năm. Do ngài là Tổ trung hưng tông Thiên Thai nên đại chúng kính trọng thường gọi bằng danh xưng Kinh Khê Tôn Giả, chứ không gọi thẳng tên tục. Đời Bắc Tống Sư được phong tặng danh hiệu Viên Thông Tôn Giả. Ngoài bộ Pháp Hoa Văn Cú Ký nổi tiếng ra, Sư còn để lại nhiều tác phẩm giá trị, quan trọng nhất là các bộ Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa Thích Thiêm, Chỉ Quán Phụ Hành Truyền Hoằng Quyết, Chỉ Quán Sưu Ký, Chỉ Quán Đại Ý, Kim Cang Bề, Pháp Hoa Tam Muội Bổ Trợ Nghi, Thủy Chung Tâm Yếu, Thập Bất Nhị Môn.

[48] Kinh là kinh Pháp Hoa, Sớ là các bộ Pháp Hoa Huyền Nghĩa, Pháp Hoa Văn Cú, Ký là bộ Văn Cú Ký.

[49] Duy Dương là một thành phố thuộc tỉnh Giang Tô.

[50] Khuê Phong Tông Mật (780-841), tổ thứ năm của tông Hoa Nghiêm, người xứ Quả Châu, sống vào thời Đường, thường được gọi là Khuê Phong Thiền Sư hay Khuê Sơn đại sư, thụy hiệu là Định Huệ thiền sư. Năm Nguyên Hòa thứ 2 (807) lên kinh ứng thí, đi ngang qua Toại Châu, nghe Đạo Viên hòa thượng thuyết pháp bèn xin xuất gia và thọ giới Cụ Túc. Theo lời khuyên của ngài Đạo Viên, Sư đến tham học với ngài Ích Châu Nam Ấn chùa Tịnh Chúng, rồi tham yết ngài Thần Chiếu chùa Báo Quốc tại Lạc Dương. Năm Nguyên Hòa thứ năm (810), gia nhập vào đồ chúng của ngài Thanh Lương Trừng Quán, thọ trì giáo học kinh Hoa Nghiêm. Năm Nguyên Hòa 11 (811), trụ tích tại chùa Trí Cự ở núi Chung Nam, tự thệ không xuống núi, đọc hết Đại Tạng Kinh trong ba năm, soạn ra bộ Viên Giác Kinh Khoa Văn. Sau ngài qua chùa Thảo Đường cũng thuộc núi Chung Nam lắng tâm tu học, soạn ra bộ Viên Giác Kinh Đại Sớ. Rồi lại dời qua Khuê Phong Lan Nhã cũng thuộc núi ấy, chuyên chú tụng kinh tu Thiền. Tướng quốc Bùi Hưu cùng mọi nhân sĩ trong triều, ngoài nội đều rất kính trọng. Sư từng được thỉnh vào cung giảng kinh, nhưng không lâu lại xin trở về núi. Ngày mồng Sáu tháng Giêng năm Hội Xương nguyên niên, Sư tọa hóa tại Hưng Phước Tháp Viện, thọ sáu mươi hai tuổi, pháp lạp ba mươi tư năm.

[51] Hỗ là giải thích những nghĩa lý trong sách cổ bằng những ngôn từ bình dị, đương thời cho người ta dễ hiểu. Do cư sĩ Mã Thông Bạch đem nghĩa lý kinh Kim Cang giải thích bằng văn tự hiện thời một lần nữa, trước ông đã có nhiều người làm chuyện đó, nên đặt tên tác phẩm là Thứ Hỗ (giải thích bằng thể văn đơn giản một lần nữa).

[52] Khi chưa xuất gia, tổ Huệ Năng làm tiều phu, gánh củi đến bán cho ông trưởng giả, nghe ông đọc kinh Kim Cang bèn ngộ chân tâm, phát tâm xuất gia.

[53] Kinh Địa Tạng Bồ Tát Thập Luân dạy có mười Hữu Y Hạnh Luân và mười Vô Y Hạnh. Hữu Y nghĩa là những hạnh nghiệp có thể nương nhờ vào, dùng chữ Luân với ý nghĩa giống như bánh xe lăn, nghiền nát Hoặc nghiệp. Như vậy, Hữu Y Hạnh Luân là những hạnh nghiệp có thể đoạn phiền hoặc, chứng Bồ Đề. Vô Y Hạnh là những hạnh nghiệp không thể nương tựa vì chúng tăng trưởng phiền não, vọng tưởng, chấp trước.

Mười Hữu Y Hạnh Luân là:

1) Đầy đủ lòng tin trong sạch, trọn tín tâm thanh tịnh.

2) Có đủ lòng hổ thẹn.

3) An trụ trong luật nghi, nhiếp thân khẩu ý, an trụ tịnh giới.

4) An trụ từ tâm.

5) An trụ bi tâm.

6) An trụ hỷ tâm.

7) An trụ xả tâm.

8) Có chánh quy y, y chỉ nơi Tam Bảo.

9) Đầy đủ tinh tấn, tùy thuận tu học, dũng mãnh, siêng tinh.

10) Thường lạc tịch tịnh, lòng lắng tịnh, tư duy đúng lý, dứt các vọng tưởng.

Mười Vô Y Hạnh là:

1) Gia Hạnh hoại nhưng ý lạc không hư hoại.

2) Ý lạc bị hoại nhưng gia hạnh không hoại.

3) Gia hạnh, ý lạc đều hoại.

4) Giới hoại, nhưng kiến không hoại.

5) Kiến hoại, nhưng giới không hoại.

6) Kiến, giới đều hoại.

7) Gia hạnh, ý lạc, giới, kiến đều không hoại, nhưng y chỉ vào sức bạn ác.

8) Tuy y chỉ thiện hữu và có gia hạnh, nhưng ngu độn như dê câm, không phân biệt các sự lý, nghe thiện pháp nói là bất thiện pháp, chẳng lãnh ngộ được ý nghĩa.

9) Đối với các thứ của cải, thường không chán đủ, miệt mài theo đuổi nên tâm bị loạn.

10) Bị các bệnh tật bức bách nên cúng bái thần quỷ, cầu chú thuật.

[54] Trong Đại Tạng có ba bộ kinh: Địa Tạng Bồ Tát Thập Luân Kinh, Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh và Chiêm Sát Thiện Ác Nghiệp Báo Kinh đều do đức Địa Tạng khải thỉnh Phật bèn nói pháp, hoặc do một vị Bồ Tát khác khải thỉnh, Phật bèn giảng diễn về công hạnh của Địa Tạng Bồ Tát.

[55] Nguyên văn: “Nhân tâm duy nguy, đạo tâm duy vi, duy tinh, duy nhất, doãn chấp quyết trung”.Câu này được hiểu nhiều cách khác nhau, chúng tôi dịch theo cách diễn giải của Thân Hà Vĩnh trong bộ Trung Hoa Văn Hóa Tâm Lý Học Tâm Yếu. Theo ông Thân, Nguy ở đây là những nguy hiểm, thử thách, chẳng hạn như danh dự, lợi lộc, của cải v.v… Đạo tâm là cái tâm tự nhiên, tâm thiên phú, thiên lương v.v… “duy tinh duy nhất”là tập trung tư tưởng, gìn giữ đạo tâm. “Doãn quyết kỳ trung”nghĩa là giữ cho thiên tánh chẳng dời. Như vậy câu này có thể hiểu là: “Tâm con người do bị hoàn cảnh quyến rũ, tâm đạo ngày càng nhỏ đi. Phải tập trung tư tưởng, gìn giữ đạo tâm cho không thay đổi”.

[56] Tức Hán Nguyệt Pháp Tạng, người sống vào cuối đời Minh, viết sách Ngũ Tông Nguyên cực lực đề cao tông Lâm Tế, chỉ trích mạt sát các tông phái Thiền khác, nhất là tông Tào Động, lập ra những dị thuyết, gây nên những tranh luận ồn ào cho đến tận thời Ung Chánh hoàng đế nhà Thanh. Học trò ông ta là Hoằng Nhẫn lại còn viết sách Ngũ Tông Cứu cực đoan hơn nữa, coi bốn phái Thiền còn lại đều là tà ngụy. Phái Thiền của Pháp Tạng chủ trương phá chấp triệt để nên ăn mặn, uống rượu, không giữ giới luật cũng không trở ngại gì, khiến cho các tôn đức tông Lâm Tế cũng phải quở trách.

[57] Mật Vân Viên Ngộ (1566-1642) là vị cao tăng tông Lâm Tế đời Minh. Sư người huyện Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, họ Tương, tự Giác Sơ, hiệu Mật Vân, thụy hiệu Huệ Định thiền sư. Ngài là con nhà nông, nhân đọc Lục Tổ Đàn Kinh liền hâm mộ Thiền Tông. Một ngày nọ nhìn đống củi có chỗ ngộ, bèn xuất gia với ngài Huyễn Hữu Chánh Truyền ở viện Long Trì vào năm 29 tuổi. Năm Vạn Lịch (1602), Chánh Truyền lên kinh đô, Sư được cử làm giám viện chùa Vũ Môn. Một ngày nọ đi qua núi Đồng Quan, hốt nhiên đại ngộ, được ngài Chánh Truyền trao y bát vào năm 39 tuổi. Năm 45 tuổi, được kế nhiệm trụ trì tổ đình Long Trì. Về sau lần lượt trụ tại các chùa Thiên Thai, Hoàng Bá, Thiên Đồng… trước sau 30 năm, đại chấn tông phong, được xưng là Tổ trung hưng tông Lâm Tế. Đệ tử hơn 3 vạn người, nổi tiếng nhất là Đạo Mân, Thông Dung, Pháp Tạng v.v… Tổ Huệ Nguyên của tông Hoàng Bá tại Nhật cũng là đệ tử của ngài Mật Vân. Sư tịch năm Sùng Trinh thứ 15 (1642) tại chùa Thông Huyền, thọ 77 tuổi.

[58] Do viết chữ Hán theo lối Thảo thường bỏ bớt nét và dùng hình thức giả tá (tức là dùng chữ đồng âm, ít nét hơn, để viết cho tiện, cho nhanh). Khi đọc, phải căn cứ theo ngữ cảnh để hiểu tác giả thật sự muốn dùng chữ gì. Điều này đòi hỏi người đọc phải thông hiểu nội dung, thâm hiểu Phật pháp mới viết cho đúng chữ chân phương được.

[59] Ý nói đã ngộ rồi, thì càng phải nghiêm túc tu tập, như con làm đám ma cho cha mẹ, chẳng dám khinh thường, đãi bôi chút nào.



Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ BA- Phần thứ nhất
/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây