Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 185: Sớ - Quyển 2 - Phần 5 - 3. Bài sớ [kêu gọi đóng góp] xây dựng viện mồ côi Phật giáo chùa Pháp Vân ở sông Tam Xoa, Kim Lăng

3. Bài sớ [kêu gọi đóng góp] xây dựng viện mồ côi Phật giáo chùa Pháp Vân ở sông Tam Xoa, Kim Lăng

Càn là đại phụ, Khôn là đại mẫu. Dân là đồng bào của chúng ta, loài vật và ta cũng giống như thế. Do vậy, Khổng Tử lấy chuyện yên ổn người già, lo lắng cho trẻ nhỏ làm chí, đức Như Lai lấy việc phổ độ chúng sanh làm tâm. Do hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều là cha mẹ thân thuộc trong quá khứ của chúng ta, đều sẽ thành Phật đạo trong đời tương lai. Có những kẻ do nghiệp lực nên đọa trong dị loại sống trên đất, dưới nước, trên không trung, nhưng Phật tánh của họ chẳng bị tổn hại chút nào. Cái tâm tham sống, sợ chết, tránh khổ, cầu vui chẳng khác chúng ta chút nào! Do vậy, ông Phùng Mộng Lão mời các vị cư sĩ cùng chí hướng đề xướng tạo dựng Pháp Vân Tự làm đạo tràng niệm Phật phóng sanh. Mong hết thảy thiện nhân cảm cái tâm của cha trời mẹ đất, cùng mang ý niệm “dân là đồng bào, loài vật cũng giống như ta”, dứt sát nghiệp cho cả người lẫn ta, vun cội đạo Bồ Đề, chứ nào phải chỉ chăm chú vào một đạo tràng nhỏ bé mà thôi! Ấy là vì muốn cho cả thiên hạ đều cùng phát khởi cái tâm trắc ẩn không chi chẳng thấu.

Đối với hết thảy những kẻ quan quả cô độc, khốn khổ, lênh đênh, không nơi nương tựa, không phải là chẳng muốn cứu giúp, nhưng do tài lực khó khăn, nên bèn lập thêm một Viện Mồ Côi nơi cuộc đất hẹp bên cạnh ao phóng sanh chùa Pháp Vân, đem những cô nhi không cha, không mẹ, không cách sống còn về nuôi dạy cho đến khi chúng thành tài tự lập, để chúng khỏi bị đói lạnh mà chết vùi lấp bên khe ngòi, no lòng quạ, chó; đến nỗi tổ tông chúng không người thờ phụng, cũng như quốc gia thiếu nhân dân. Tâm ấy có thể nói là chân thành khẩn thiết, biết điều gì cần phải lo trước. Ấy là vì trẻ nhỏ hễ mất cha mẹ ắt phải đến nỗi chết đi. Dẫu cho nó có thể xin ăn được đôi chút, không đến nỗi chết ngay, nhưng vì không thể học hành, bất quá chỉ suốt đời làm mướn, làm sao mở mang trí thức để thấu đạt thiên tư sẵn có, giữ vẹn luân lý hòng chẳng trái đạo làm người cho được? Hãy thử nghĩ: Ngài Đạo An đời Tấn, ngài Nhất Hạnh đời Đường, ngài Diệu Phong đời Minh[14] đều là cô nhi. Do các vị được làm Tăng nên đạo bèn truyền khắp thiên hạ, đức phủ triệu dân. Ông Lã Văn Mục đời Tống lúc hàn vi đọc sách, xin ăn nuôi thân; một vị Tăng thương xót bèn giúp đỡ, ông đậu cao, tận tụy với vua, thương yêu dân chúng. Do vậy, ông có phát nguyện rằng: “Nguyện con cháu đời đời ăn lộc, hộ trì Phật pháp. Kẻ nào chẳng tin Tam Bảo đừng sanh vào nhà ta”.Ấy là vì lòng cảm kích sâu xa. Do vậy, biết rằng thần long còn bé thường hay bị cát đá gây khốn, người có lòng nhân đem nước chừng một thưng, một đấu giúp cho, đợi đến khi rồng đủ vây cánh, gió mây gặp hội, ắt có thể rưới mưa ngọt khắp cả thiên hạ. Dẫu những đứa thiên tư tầm thường, không bản lãnh gì, nhưng được nuôi dưỡng lương năng lương tri khiến cho đứa nào đứa nấy hiền lành thì cũng có thể tạo thành cái gốc làm cho thiên hạ thái bình. Huống hồ cô nhi rất nhiều, trong ấy ắt có những đứa tài năng xuất chúng, có thể thành đạo lập đức, tán trợ quyền giáo hóa, dưỡng dục, như các vị Đạo An, Nhất Hạnh, Diệu Phong, Văn Mục vậy! Công đức nuôi dạy thành tựu ấy há thể tính lường được ư?

Kính mong những bậc quân tử nhân từ, hết thảy thiện tín, đều khởi lòng giúp đỡ trẻ nhỏ, đừng keo kiệt, giúp đỡ nhỏ giọt. Phải biết bố thí là cội phước, đạo trời sẽ đền đáp tốt đẹp. Mình đã giúp con côi của người ta thì con cháu mình ắt sẽ có nhiều đứa tài năng xuất chúng, làm chuyện lớn lao, quyết chẳng đến nỗi khổ sở lênh đênh, không biết kêu ca vào đâu! Phạm Văn Chánh Công (Phạm Trọng Yêm) đời Tống chỉ chăm chú giúp đời, cứu người. Con cháu ông cho đến tận bây giờ nhiều người hiển đạt. Do vậy biết rằng cứu giúp người bị tai ương thì chính mình và con cháu mình đời đời kiếp kiếp đều chẳng đến nỗi bị tai ương phải đợi người cứu giúp. Nếu có thể nhận lãnh lời bàn luận kém hèn, chẳng tiếc của báu trong nhà, ngõ hầu sự việc này được thành tựu mỹ mãn, thì há nào phải chỉ cô nhi được may mắn, mà thật ra chính là thiên hạ quốc gia được may mắn lớn lao vậy!
/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây