Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 65: [THƯ 65]: Trả lời thư cư sĩ Thích Trí Châu (thư thứ hai)

Thầy Quang Thuận đến đây cầm theo thư của ông và hạt sen Hạ Bố đưa cho Quang, thuật những chuyện như ông đã trụ tại am thầy ấy v.v… Trộm nghĩ ông đã không dư dật, sao còn phải bắt chước thói người thế gian làm cái trò đem đào bù mận? Ông và tôi quen biết nhau qua tình đạo, hãy nên trực tiếp hành xử theo đạo. Những gì đã gởi đến sẽ dùng để làm phước, cảm ơn lắm. Lệnh nghiêm, lệnh nhạc mẫu[2] đã sanh lòng tin tưởng, hãy nên đem lợi ích của Tịnh Độ khuyên chỉ, khiến cho tín tâm của họ từ nhỏ nhặt trở thành rõ ràng. Nếu như tín nguyện chân thiết, quyết định được sanh về Tịnh Độ, đấy là hiếu vậy! Cái hiếu thế gian há sánh bằng được ư? Ông còn chưa hiểu rành rẽ cách tu Tịnh Độ, hãy nên lấy việc xem đọc, nghiên cứu Tịnh Độ làm chánh, nửa ngày học Giải, nửa ngày học Hành, ngõ hầu rõ thấu đầu đuôi, trọn không nghi hoặc mới được!

Lăng Nghiêm Chánh Mạch[3] hãy khoan tính đến, dẫu có đích thân thấy được Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh cũng chẳng thể liễu sanh tử được ngay. Thấy Tánh là ngộ, chưa phải là chứng; chứng rồi mới liễu sanh tử được! Nếu chỉ ngộ chưa chứng, dẫu chỗ ngộ cao sâu, mà nếu hai thứ Kiến Hoặc và Tư Hoặc chẳng thể nhanh chóng đoạn được ngay thì chuyện luân hồi trong ba cõi quyết chẳng thể do đâu mà thoát lìa được! Nếu chẳng thông hiểu Lăng Nghiêm, nhưng tu pháp môn Tịnh Độ, ngửa tin lời Phật quyết định không nghi, tin chân thật, nguyện khẩn thiết, do tu thật hạnh sẽ quyết định được vãng sanh, làm người trong thế giới Cực Lạc. Huống chi hiện tại cõi nước nguy ngập, vẫn toan trong lúc nguy hiểm, tinh thần hữu hạn làm những pháp vụ không cần gấp, mong được cái tiếng đại thông gia để thỏa thể diện đến nỗi chuyện chuyên tu của chính mình rốt cục trở thành lan man ư? Nếu đã tin chắc, biết sâu xa pháp môn Tịnh Độ thì có nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm và các kinh luận cũng chẳng ngại gì.

Trước kia, ông đã xin Quang khai thị, Quang gởi bộ Văn Sao cho, nhưng ông vẫn không thể xem trọn mỗi điều, đương nhiên Quang biết ông không biết đâu là chuyện thong thả, đâu là chuyện gấp gáp, cứ lan man bắt chước người thời nay nghiên cứu kinh Phật chỉ mong thành một bậc đại thông gia đó thôi! Bộ Văn Sao của Quang văn tự tuy kém cỏi, vẫn có thể chỉ cho người khác đường lối tu trì. Xưa kia Đại Trí luật sư[4] thông hiểu sâu xa giáo pháp của tông Thiên Thai, nghiêm tịnh Tỳ Ni (giới luật), hạnh nguyện tinh thuần, chí lực rộng lớn, chỉ đối với Tịnh Độ chẳng sanh tin tưởng. Về sau, do bệnh nặng mới biết lỗi trước, từ đó trở đi hơn hai mươi năm tay chẳng rời kinh, chuyên nghiên cứu Tịnh Độ, mới biết pháp này lợi ích siêu việt thù thắng, bèn dám đối trước mọi người xứng tánh phát huy trọn chẳng sợ hãi. Dẫu là đứa trẻ lên ba cũng có thể niệm Phật, ông còn chưa nhận biết rõ ràng đường lối pháp môn này, lại chẳng bị thời hạn giảng giải [kinh điển] bức bách như vị giảng sư muốn chống đỡ môn đình, cần gì phải nghiên cứu kinh Lăng Nghiêm trước, chẳng coi chuyện biết đường về nhà là cấp bách? Những lời Quang đã nói bất quá nhằm ngăn chặn chuyện sai để khỏi phụ lòng gởi thư đến, chứ nào phải là đã thật sự hiển thị ý nghĩa trọng yếu của kinh Lăng Nghiêm! Đức Như Lai muốn cho hết thảy chúng sanh theo đường về nhà, vì thế bảo hai mươi lăm vị thánh trình bày túc nhân của chính mình để chúng sanh đời Mạt bất luận căn cơ thượng, trung, hạ, đều dùng pháp môn Niệm Phật của ngài Thế Chí tự lợi, lợi tha, nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm nối tiếp, quay lại niệm nơi tự tánh, tánh thành vô thượng đạo. Đây chính là điều cư sĩ nên dốc sức, còn chuyện “chỉ tâm, biện định cái Thấy, phá Ấm, siêu trược”, hãy đợi đến khi niệm đến mức tâm - Phật bất nhị, tâm lẫn Phật cùng mất, tự chứng Niệm Phật tam-muội rồi hẵng tính, giống như đức Thế Tôn cầm cành hoa giơ lên, Ca Diếp mỉm cười vậy. Nếu không, vào biển đếm cát đầu choáng váng, tâm mê muội, kể chuyện ăn, đếm của báu, chẳng đỡ đói rét! Người biết tốt - xấu quyết chẳng coi thường lời tôi.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần thứ tư

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây