Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 90: [THƯ 90]: Thư gởi Mã Khế Tây

Con người sống trong thế gian phải biết giữ yên bổn phận, làm chuyện vượt phận cũng như khen ngợi những chuyện đó đều là cội nguồn chiêu họa, chuốc nhục. Quang là một ông Tăng tầm thường, hèn kém, chỉ biết cơm cháo, vì đâu ông lại soạn truyện cho tôi, bạo gan dám viết bốn câu: “Nay cách thánh đã xa, bậc chân tu hành ít ỏi…”gán cho tôi khiến tôi đắc tội với bậc thiện tri thức, hiền sĩ, đại phu trong Tông, Giáo. Ý ông cho rằng càng nói dễ nghe là càng vinh hạnh ư? Chẳng biết mình đã đem phàm lạm thánh, tội chẳng thể dung! Ông cũng đã từng xem kinh Lăng Nghiêm, sao chẳng biết phạm đại vọng ngữ, tội ấy nặng hơn tội sát, trộm, dâm trăm ngàn vạn ức lần ư? Ông biết sai cứ làm, chẳng những chính ông tội lỗi quá sức, ngay cả Quang cũng đang bị người sáng mắt thóa mạ, tương lai phải chịu khổ báo nơi A Tỳ địa ngục, không có ngày ra. Ví như thứ dân xưng bừa là đế vương, tội ắt phải diệt tộc. Ấy là vì đại vọng ngữ hoại loạn Phật pháp, gây nghi ngờ, lầm lạc chúng sanh. Ông có nên bày ra lời bịa đặt ấy chăng?

Mong hãy đem bản thảo ấy thiêu đi, từ nay về sau chớ nên viết gì nữa. Tôi chỉ mong được sanh Tây Phương, muốn truyền lại [truyện ấy] để làm gì? Ông cho rằng do vậy mới có thể lưu tiếng thơm trăm đời ư? Không biết mù quáng soạn cuốn truyện bịa đặt ấy, chẳng những để tiếng xấu vạn năm lại còn phải chịu khổ vĩnh kiếp. Nếu cho lời tôi nói là sai thì chính là quyến thuộc của ma vương, xin từ nay hãy đoạn tuyệt!

Ấn Quang Văn Sao,

Quyển Thứ Nhất hết

(Phần thứ tư hết)

 

[1] Thiên Chân: Chân lý tồn tại tự nhiên không cần phải tạo tác. Sách Chỉ Quán Phụ Hành Truyền Hoằng Quyết, quyển 1 giảng: “Lý không tạo tác, nên gọi là Thiên Chân”.

[2] Lệnh nghiêm: Tiếng gọi tỏ ý tôn trọng cha người khác.

Nhạc mẫu: mẹ vợ hoặc mẹ chồng. Ở đây là mẹ vợ.

[3] Lăng Nghiêm Chánh Mạch là tác phẩm chú giải kinh Lăng Nghiêm của Giao Quang đại sư đời Minh.

[4] Đại Trí Luật Sư (1048-1116) là ngài Thích Nguyên Chiếu, tự là Trạm Nhiên, hiệu An Nhẫn Tử, người xứ Dư Hàng, tỉnh Chiết Giang. Ngài xuất gia từ nhỏ, thọ Cụ Túc Giới năm 18 tuổi, theo học giáo nghĩa Thiên Thai với ngài Thần Ngộ Xử Khiêm, nhưng rất hâm mộ Tỳ Ni. Về sau, Sư thọ Bồ Tát Giới với ngài Quảng Từ, nối tiếp Nam Sơn Luật Tông. Trong thời Nguyên Phong nhà Tống, Sư trụ trì chùa Chiêu Khánh, hoằng truyền giới luật. Về già trụ trì chùa Linh Chi, nên thường được gọi là Linh Chi Tôn Giả. Khi ngài mất, được tôn thụy hiệu là Đại Trí Luật Sư.

[5] Chùa Linh Ẩn nằm ở núi Linh Ẩn tại Tây Hồ, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Năm Hàm Hòa nguyên niên (326) nhà Đông Tấn, sa-môn Ấn Độ Huệ Lý đến nơi này, thấy ngọn Phi Lai, khen ngợi: “Ngọn núi nhỏ của Linh Thứu không biết bay đến đây từ năm nào? Hồi Phật còn tại thế, nhiều vị tiên linh ẩn cư nơi này”.Bèn lập chùa sau núi, đặt tên là Linh Ẩn, gọi tên ngọn núi đó là Phi Lai. Năm Cảnh Đức thứ tư đời Tống (1007), đổi tên là Cảnh Đức Linh Ẩn Thiền Tự. Đến năm cuối niên hiệu Kiến Viêm, chùa bị hủy hoại trong loạn lạc, trong năm Thiệu Hưng mới được tái lập. Năm Chí Chánh thứ 19 (1359) đời Nguyên, chùa lại bị phá hủy, rồi được tái lập trong niên hiệu Hồng Vũ đời Minh, đổi thành tên hiện đại là Linh Ẩn. Trong niên hiệu Khang Hy, chùa được sắc tứ là Vân Lâm Thiền Tự, nhưng dân gian vẫn gọi theo tên cũ.

[6] Văn Thù Nhất Hạnh: Tức Nhất Hạnh tam-muội được dạy trong kinh Văn Thù Bát Nhã: “Thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn hành Nhất Hạnh tam-muội, nên vào chỗ vắng vẻ, bỏ các loạn ý, chẳng chấp vào hình tướng, dốc lòng chuyên xưng niệm danh hiệu một đức Phật. Tùy theo đức Phật ở phương nào bèn hướng thẳng về đó. Nếu có thể đối với một đức Phật niệm niệm liên tục, thì ở ngay trong ấy sẽ thấy được quá khứ, vị lai, hiện tại chư Phật. Vì sao? Niệm một đức Phật công đức vô lượng vô biên, cùng một công đức với niệm vô lượng chư Phật không hai. Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn vô phân biệt”.

[7] Tức bộ Phổ Đà Sơn Chí, tức bộ sách ghi chép lịch sử truyền thừa của Phổ Đà Sơn.

[8] Còn gọi là Trung Hữu, là khoảng tồn tại trung gian sau khi đã chết, trước khi thọ sanh. Câu Xá Tông cho nhất định là có Trung Ấm, Thành Thật Tông bác quan điểm này. Còn Đại Thừa cho rằng Trung Ấm có hay không chẳng nhất định: Người cực thiện hay cực ác sẽ không có thân Trung Ấm vì sanh thẳng vào thân sau. Còn những người khác sẽ có thân Trung Ấm. Sách Đại Thừa Nghĩa Chương giảng: “Khi mạng báo đã hết, thì gọi là Vô Hữu. Sau khi sanh ra, trước khi chết đi thì gọi là Bổn Hữu. Giữa hai thân ấy thì hình dáng hiện trong cõi Âm gọi là Trung Hữu”.

[9]Viên Trạch: Trong lần khai thị tại pháp hội Tức Tai Hộ Quốc ở Thượng Hải, tổ Ấn Quang đã kể chuyện thiền sư Viên Trạch đời Đường như thế này: Do cha của Lý Nguyên làm quan trấn thủ Đông Đô bị An Lộc Sơn làm phản, giết chết. Lý Nguyên chẳng muốn làm quan, bèn biến căn nhà mình ở Lạc Dương thành chùa Huệ Lâm, thỉnh Viên Trạch làm Hòa Thượng; Lý Nguyên cũng tu hành ngay tại đấy. Qua mấy năm, Lý Nguyên muốn triều bái Nga Mi, mời Viên Trạch cùng đi. Viên Trạch muốn đi theo đường Thiểm Tây, nhưng Lý Nguyên chẳng muốn đến kinh đô nên nhất định theo đường thủy Kinh Châu. Viên Trạch đã tự biết mình chẳng trở về được nên liền dặn dò hậu sự, rồi cùng Lý Nguyên ngồi thuyền đi. Thuyền bơi đến thượng du Kinh Châu, sắp gần đến Giáp Sơn, thế nước chảy xiết, chưa đến tối đã phải cắm thuyền. Chợt có một người đàn bà mặc quần gấm, ra kéo nước bên sông. Viên Trạch vừa trông thấy, hai mắt ứa lệ. Lý Nguyên hỏi nguyên do, Viên Trạch đáp: “Ta chẳng chịu đi theo đường này là vì sợ bà ta. Bà ta mang thai đã ba năm, chờ ta sanh làm con. Chẳng thấy bà ta còn có thể trốn lánh, chứ nay đã thấy, không cách nào không làm con bà ta được! Ông nên tụng chú, giúp ta mau sanh. Đến ngày thứ ba, hãy đến nhà thăm ta. Ta trông thấy ông, cười một tiếng làm tin. Mười hai năm sau, đêm Rằm tháng Tám, đến bên bờ giếng Cát Hồng tại Thiên Trúc ở Hàng Châu gặp lại ta”. Nói xong, Viên Trạch tọa thoát. Bà nọ liền sanh con. Ngày thứ ba, Lý Nguyên đến thăm, đứa bé liền cười. Sau đấy, Lý Nguyên quay về chùa Huệ Lâm, thấy trong quyển kinh đã viết sẵn lời dự ngôn về hậu sự, càng thêm tin Sư Viên Trạch chẳng phải là thường nhân. Mười hai năm sau, Lý Nguyên đến Hàng Châu. Tới đêm Rằm tháng Tám, ông đến chỗ ước hẹn chờ đợi; chợt thấy bên sông có đứa bé trai chăn trâu, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, dùng roi gõ sừng trâu, hát:

Trên đá ba sinh, vẫn nguyên hồn

Ngâm gió, thưởng trăng lọ phải bàn

Thẹn thấy cố nhân tìm đến gặp

Thân này tuy khác, tánh thường còn.

Lý Nguyên nghe xong bèn đến chào hỏi. Hàn huyên xong xuôi, đứa bé lại đọc:

Thân trước, thân sau sự vấn vương

Bàn chuyện nhân duyên luống đoạn trường

Ngô Việt giang sơn chơi khắp cả.

Gác chèo mây khói, ẩn ao chuôm.

Rồi ruổi trâu đi mất.

[10] Đức Phật thiên chân là tên gọi khác của Pháp Thân.

[11] Bảy đường (Thất Thú): Tức là lục thú (nhân, thiên, A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) và Tiên đạo.

[12] Tứ Thánh: Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác.

[13] Tục Thể là lối viết thường dùng trong dân gian cho nhanh, không đúng với cách viết chánh thức của chữ Hán, như chữ Đăng 燈 viết thành灯, Thiên 遷 viết thành 迁 v.v... Đặc điểm lớn nhất của Tục Thể là giản lược nét bút, đôi khi biến cải âm thanh. Đa số chữ Tục Thể biến thành chữ Hán giản thể hiện thời.

Thiếp Thể là lối viết trên các tờ thiếp, bình phong, quạt cho đẹp, mềm mại hơn lối viết cứng cỏi dùng để khắc bia.

Biến Thể là cách viết biến đổi tự dạng sao cho thật đẹp, thật bay bướm trong thư pháp, gần với lối chữ Thảo.

Nói chung, ba thể loại này khiến người không chú ý dễ đọc sai chữ, hoặc hiểu lầm ý nghĩa, thậm chí không nhận được mặt chữ, nên bị Tổ quở.

[14] Sở dĩ nói là trái thời vì thời cổ, các chữ ấy được dùng lẫn nhau không phân biệt. Nay nếu viết theo lối cổ, sẽ gây hiểu lầm; ví dụ chữ Ma 魔 (ma quỷ) khác với Ma 磨 (mài).

[15] Thương Hiệt: Theo truyền thuyết, Thương Hiệt là sử quan của Hoàng Đế, ông là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Hán.

[16] Trùng văn điểu thư: chỉ lối chữ Hán theo lối cổ, lối viết ngoằn ngoèo giống như con nòng nọc nên còn gọi là chữ Khoa Đẩu, “trùng văn điểu thư” là chữ viết trông giống như con trùng, hoặc vết chân chim.

[17] Phá Thể là những chữ viết tự sáng chế không tuân theo năm thể loại Tục Thể, Thiếp Thể, Biến Thể, Bi Thể cũng như không tuân thủ các loại chữ Hành, Chân, Khải, Thảo.

[18] Khi xưa chép kinh, chép sách trên một mặt mảnh giấy dài, chép đủ bao nhiêu trang đó sẽ xếp tờ giấy ấy sao cho có mặt có chữ lộ ra ngoài, khâu lại thành sách. Những chỗ xếp giấy giữa hai trang thường có dòng chữ đề tên sách và số trang.

[19] Sáu ngày chay (Lục Trai): Còn gọi là Nguyên Thủy Lục Trai, tức mỗi tháng ăn chay sáu ngày: mồng tám, mười bốn, rằm, hai mươi ba, hai mươi chín, ba mươi. Theo những kinh trong tạng A Hàm như Tứ Thiên Vương Kinh, Tạp A Hàm Kinh, Phật Bổn Hạnh Kinh, Thập Tụng Luật, trong sáu ngày này, Tứ Thiên Vương giáng thế tuần tra nhân gian thiện ác.

Thập Trai: Thập Trai chỉ tồn tại trong những truyền thống Phật giáo chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, tức là mỗi tháng ăn chay mười ngày để lễ kính một vị Phật hoặc Bồ Tát tương ứng. Mồng Một: Định Quang Phật, mồng Tám: Dược Sư Như Lai, ngày 14: Phổ Hiền Bồ Tát, ngày 15: A Di Đà Phật, ngày 18: Quán Thế Âm Bồ Tát, ngày 23: Đại Thế Chí Bồ Tát, ngày 24: Địa Tạng Bồ Tát, ngày 28: Tỳ Lô Giá Na Phật, ngày 29: Dược Vương Bồ Tát, ngày 30: Thích Ca Như Lai. Mười ngày chay này đôi khi còn gọi là Chuẩn Đề Thập Trai (theo Phật Quang Sơn Đại Từ Điển).

[20] Hiền Thủ là tông Hoa Nghiêm, do ngài Hiền Thủ hoằng dương tông này nên gọi là tông Hiền Thủ. Từ Ân: Tức Pháp Tướng Tông hay Duy Thức Tông. Tông này do ngài Huyền Trang sáng lập, nhưng đệ tử ngài Huyền Trang là pháp sư Khuy Cơ ở chùa Từ Ân (thuộc kinh đô Trường An đời Đường) cực lực xiển dương nên thường gọi là tông Từ Ân.

[21] Bí Mật: Chỉ Mật Tông (còn gọi là Chân Ngôn Tông).

[22] Tân dân: Tuy mặt chữ viết là thân dân (親民) nhưng phải đọc là “tân dân”, vì thời cổ Tân 新 và Thân 親dùng lẫn nhau. Thông thường, “tân dân” được hiểu là làm cho dân bỏ cũ đổi mới, tức là bỏ điều ác hướng đến cái thiện.

[23] Quẻ (Quái): Kinh Dịch dùng một vạch liền tượng trưng cho Dương, một vạch đứt tượng trưng cho Âm (Âm và Dương gọi là Lưỡng Nghi). Chồng hai vạch lên nhau, ta có được bốn tượng (hai vạch liền, đứt trên liền dưới, hai vạch đứt, liền trên đứt dưới) đặt tên là Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm (gọi chung là Tứ Tượng). Chồng mỗi vạch Âm hay Dương lên bốn quẻ này ta có được tám quẻ (gọi là Bát Quái). Lần lượt chồng tám quẻ ấy lên nhau, ta có được sáu mươi bốn quẻ kép. Chẳng hạn như quẻ Càn trên, quẻ Khôn dưới thì gọi là Thiên Địa Bỉ. Đối với mỗi quẻ, lại có lời giải thích ý nghĩa của từng quẻ, thường gọi chung là các “đại tượng”.

[24] Giáo Quán Cương Tông là tác phẩm của ngài Trí Húc Ngẫu Ích (1599-1655) soạn vào đời Minh, được xếp vào quyển 43 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, trình bày đại lược những giáo nghĩa trọng yếu của tông Thiên Thai. Do nhận thấy cuốn Thiên Thai Tứ Giáo Nghi của tổ Trí Giả giảng về cách tu hành Chỉ Quán quá đại lược, nên Tổ soạn thêm cuốn này để xiển dương giáo nghĩa ấy.

[25] Hiển Ấm (1902-1925), người xứ Sùng Minh, tỉnh Giang Tô, tự là Đại Minh, đệ tử xuất gia của ngài Đế Nhàn, thiên tư thông mẫn, học thông Tam Tạng, giỏi nhất là về mặt từ chương. Năm Dân Quốc 12 (1923) cùng với Bao Thừa Chí qua Nhật Bản học Mật tông tại Thiên Đức viện tại núi Cao Dã, được truyền quán đảnh. Năm Dân Quốc 14 quay về Thượng Hải, Hàng Châu truyền thọ Mật pháp, nổi danh một thời, nhưng cũng thị tịch ngay trong năm ấy, chỉ thọ 24 tuổi

[26] Bất Khả Lục chính là bộ Thọ Khang Bảo Giám, nội dung khuyên nên tiết chế sắc dục, cũng như nêu những chuyện phước báo do biết chế ngự sắc dục, những ngày tháng nơi chỗ, dịp nào, vợ chồng không nên chung đụng để khỏi bị tổn hại v.v…

[27] Ban Thiền (Panchen Lama): là vị lãnh tụ tôn giáo đứng hàng thứ hai của Tây Tạng sau Đại Lai Lạt Ma. Khi Đại Lai Lạt Ma đời thứ năm (Ngawang Lobsang Gyatso) thống nhất Tây Tạng, ông đã phong cho thầy mình là Lobsang Chokyi Gyatsen tước vị Panchen Lama và truy tặng lên đến ba đời trước đó. Do vậy, Lobsang Chokyi Gyatsen được coi là Ban Thiền Lạt Ma đời thứ tư. Ban Thiền có nghĩa là “đại trí huệ, đại học giả”. Ông này được coi là hóa thân của vị đệ tử thứ tư (tức Kherabje) của tổ Tông Khách Ba (Tsong Khapa) thuộc Hoàng Giáo (Gelugpa) Tây Tạng. Vua Thuận Trị nhà Thanh phong cho Ban Thiền tước hiệu Bác Khắc Đa (Bác Khắc Đa là tiếng Mông Cổ, có nghĩa là Duệ Trí Anh Vũ). Đến đời Ban Thiền thứ năm, lại được Thanh Thánh Tổ (Khang Hy) phong thêm hiệu Ngạch Nhĩ Đức Ni (Erdeni), nghĩa là Quang Hiển. Ban Thiền thường được coi là hóa thân của Phật A Di Đà vì Đại Lai Lạt Ma thứ năm tự xưng là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát. Ban Thiền đời thứ chín do bất hòa với Đại Lai nên chạy sang Trung Quốc sống ở Bắc Kinh, đến năm 1935 theo lời mời của Đại Lai thứ 13 mới trở về Tây Tạng, nhưng mất trên đường về. Vị Ban Thiền được tổ Ấn Quang nhắc đến ở đây xét theo niên đại chính là vị Ban Thiền thứ chín.

[28] Hoằng Pháp đại sư (Kobo Dashi 774-835): Khai tổ Chân Ngôn Tông Nhật Bản. Sư xuất gia năm 12 tuổi tại Hòa Tuyền Trấn Vĩ Sơn Tự, pháp danh là Giáo Hải, sau đổi là Như Không, thọ Cụ Túc Giới ở chùa Đông Đại năm 14 tuổi, được đổi tên là Không Hải. Năm 15 tuổi, trong mộng từng cảm được kinh Đại Nhật, nhưng chưa giải ngộ. Năm 23 tuổi, vượt biển sang Trung Hoa, được thọ pháp Mật Tông nơi A-xà-lê Huệ Quả chùa Thanh Long, được quán đảnh làm A-xà-lê, mật hiệu Biến Chiếu Kim Cang. Năm Đại Đồng nguyên niên (806), Sư trở về Nhật Bản, giảng kinh Đại Nhật ở chùa Cửu Mễ thuộc Kinh Đô (Kyoto), cực lực hoằng dương Mật Tông, biện luận khuất phục các vị Đạo Hùng của Hoa Nghiêm Tông, Viên Chứng của Thiên Thai Tông nên được triều đình cho phép hoằng dương Mật Giáo rộng khắp nước Nhật. Ngài từng truyền thọ Mật pháp Kim Cang Giới cho các vị Tối Trừng (tổ dòng Thai Mật), Hòa Khí, Chân Cương v.v… Năm Hoằng Nhân thứ bảy (817), Sư được vua ban cho Cao Dã Sơn để kiến lập đạo tràng, được ban hiệu là Truyền Đăng pháp sư. Năm thứ 14, vua ban chiếu công nhận Cao Dã Sơn là đạo tràng vĩnh cửu của Mật Tông. Sư nhập diệt năm Thừa Hòa thứ hai (835), thọ 62 tuổi. Những trước tác quan trọng nhất Biện Hiển Mật Nhị Giáo Luận, Bí Tạng Bảo Thược, Thập Trụ Tâm Luận, Tức Thân Thành Phật Nghĩa, Thanh Tự Nghĩa, Hồng Tự Nghĩa, Bát Nhã Tâm Kinh Bí Kiện (những tác phẩm này được coi là cơ sở lý luận kinh điển cho Chân Ngôn Tông Nhật Bản), Phó Pháp Truyện, Ngự Di Cáo, Đại Tất Đàm Chương, Triện Lệ Vạn Tượng Danh Nghĩa, Văn Bút Nhãn Tâm Sao, Tánh Linh Tập v.v...

[29] Ý nói chớ hiểu lầm văn tự, đến nỗi không hiểu được ý nghĩa chân thật của kinh.

[30] Vua Ca Lợi (Kalingarā) là một vị vua trong kiếp quá khứ của Phật, đôi chỗ còn phiên âm là Yết Lợi Vương, Ca Lăng Già Vương, Yết Lăng Già Vương, hoặc Già Lam Phù Vương, hoặc dịch nghĩa là Đấu Tránh Vương, Ác Sanh Vương, Ác Thế Vương, Ác Thế Vô Đạo Vương. Thuở quá khứ, Phật là một vị tiên nhân tu Nhẫn Nhục, ông vua này ác nghịch vô đạo. Một hôm, vua rời cung du hành. Khi vua ngủ, các thị nữ bỏ đi chơi, gặp vị tiên nhân đang tọa thiền bèn ngồi lại nghe pháp. Vua tỉnh giấc, đi tìm, thấy vậy, ghen tức, sai người chặt chân tay tiên nhân. Tiên nhân vẫn không sân hận, lại còn thề khi thành Phật sẽ độ vua này trước. Vị tiên nhân khi ấy nay là Phật Thích Ca, vua Ca Lợi là ngài Kiều Trần Như.

[31] Bài Ấn Quang Pháp Sư Truyện do Mã Khế Tây viết.

[32] Du ấn: Một lối in dùng mực pha dầu để in, ta thường gọi là quay ronéo.

[33] Hải Triều Âm là tờ tạp chí Phật giáo trứ danh do Thái Hư đại sư, Tưởng Tác Bảo, Trần Nguyên Bá, Hoàng Bảo Thương v.v… sáng lập. Thoạt đầu báo có tên là Giác Xã Tùng Thư, ra số đầu vào tháng 11 năm Dân Quốc thứ 7 (1918), cứ ba tháng ra một số, đăng tải những bài nghiên cứu và hoằng dương Phật pháp. Sau khi phát hành được năm kỳ bèn đổi thành nguyệt san và đổi tên là Hải Triều Âm. Tờ báo này hiện vẫn còn đang phát hành tại Đài Loan.

[34] Lâm san: Tạp chí của Cư Sĩ Lâm.

[35] Tử Tư chính là cháu của Khổng Tử, ông tên thật là Khổng Cấp. Tương truyền, Mạnh Tử học đạo với ông này.

[36] Văn Chánh Công là thụy hiệu của danh thần Tăng Quốc Phiên đời Thanh. Nhiếp Vân Đài chính là cháu ngoại của Tăng Quốc Phiên. Ông Tăng học rộng, văn chương tinh áo, có tài chính trị, cùng với Lý Hồng Chương, ông đã tích cực dẹp yên nội loạn dưới thời vua Quang Tự. Những trước tác của ông được tập hợp thành bộ Tăng Văn Chánh Công Toàn Tập rất nổi tiếng.

[37] Đây là cách nói quen thuộc của người Tàu thời xưa, khi đã có chồng không gọi tên tục (nhũ danh) mà gọi ghép họ chồng và họ mình. Khang Kim Thị nghĩa là bà họ Kim vợ ông họ Khang.

[38] Ông này là người Vũ Cương, tỉnh Hồ Nam, không rõ năm sanh, mất năm 1941. Thoạt đầu quy y với Ấn Quang đại sư, tu học Tịnh Độ, sau ngả theo học Duy Thức, từng đảm nhiệm vai trò giáo vụ của Phật Học Viện Vũ Xương, chủ biên những tạp chí Hải Triều Âm, Đông Phương Văn Hóa. Ông cũng là trợ thủ trọng yếu cho sự nghiệp hoằng pháp của Thái Hư đại sư trong thời kỳ đầu. Ông viết rất nhiều về Duy Thức như các tác phẩm Phật Học Giảng Diễn Tập, Duy Thức Nghiên Cứu Thuật Yếu, Duy Thức Dị Giản…

[39] Chỉ chung các loại sách dạy về cách xem mạch chẩn bệnh như Bình Hồ Mạch Quyết, Vương Thúc Hòa Mạch Quyết.

[40] Ý nói những hạn chế về việc nghiên cứu kinh giáo đã bị bỏ đi, chẳng hạn như xưa kia tại gia cư sĩ không được nghiên cứu Luật Tạng.

[41] Tam tế, còn gọi là tam thế, tức quá khứ, hiện tại, vị lai.

[42] Mười giới chính là thập pháp giới gồm lục phàm pháp giới (trời, người, súc sanh, A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ) và tứ thánh pháp giới (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật).

[43] Tử Tấn: theo truyền thuyết ông này vốn là thái tử của Châu Linh Vương, thường được gọi là Vương Tử Tấn, tính thích thổi tiêu, vào Tung Sơn tu luyện ba mươi năm, sau cỡi bạch hạc bay lên tận đỉnh Hầu Sơn. Về sau thành tiên. Hầu Sơn nay thuộc huyện Yển Sư, tỉnh Hà Nam.

[44] Những người tu Tiên về sau theo thuyết của Cát Hồng thường nấu luyện thủy ngân, chì, vàng, lưu huỳnh... theo những phương thức bí truyền thành một loại thuốc họ tin là uống vào sẽ trường sanh bất tử, thành tiên bay lên trời, gọi là Kim Đan. Vì thế, khi ai tu thành tiên cũng gọi là “đan thành” (luyện Kim Đan thành công). Rất nhiều người đã trúng độc chết do uống những thứ Kim Đan này.

[45] Lữ Thuần Dương: Tức Lữ Nham, tự Động Tân, đạo hiệu Thuần Dương Tử, là người huyện Vĩnh Lạc, Phố Châu. Trong thời Đường Vũ Tông (841-846), ông hai lượt thi rớt Tiến Sĩ, lúc ấy đã 64 tuổi, ở Trường An (Hàm Đan), gặp được Vân Phòng tiên sinh (Chung Ly Quyền), thị hiện giấc mộng như Tổ Ấn Quang đã thuật trong đoạn văn trên. Họ Lữ tỉnh mộng, theo Chung Ly Quyền tu học, sau thành Tiên.

[46] Cuối phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm, sau khi tham học với năm mươi mốt vị thiện tri thức, Thiện Tài gặp vị thiện tri thức thứ 52 là ngài Di Lặc Bồ Tát. Di Lặc Bồ Tát dẫn Thiện Tài vào Tỳ Lô Giá Na Tạng lâu các của mình. Thiện Tài quán sát những cảnh tượng trong ấy bèn tự chứng ngộ Pháp Thân.

[47] Bảo Vương là một danh hiệu tôn xưng đức Phật, nói đủ là Bảo Vương Như Lai, ý nói đức Phật quý báu không gì bằng. Cõi Bảo Vương tức là phạm vi hóa độ của đức Phật (tối thiểu là một tam thiên đại thiên thế giới).

[48] Huyễn Nhân pháp sư là một nhà sư sống cùng thời tổ Ấn Quang. Sư không tin Tịnh Độ, thường chê cười Tịnh Độ. Trong Thái Hư Đại Sư Toàn Tập cũng có cho biết vị này từng tranh biện với tổ Ấn Quang.

[49] Lệnh nghiêm: tiếng gọi tỏ vẻ kính trọng cha người khác.

[50] A Giao: tên một loại thuốc, đặc sản của huyện A tỉnh Sơn Đông. Thuốc chế bằng cách dùng nước giếng A Tỉnh nấu da con lừa đen thành keo, nên gọi là A Giao.

[51] Ngoại điển: Những kinh sách không phải của Phật giáo đều gọi là ngoại điển.

[52] Liệt Tử: Tức Liệt Ngự Khấu, một tư tưởng gia thời Chiến Quốc. Tác phẩm của ông ta cũng được gọi là Liệt Tử, hay gọi theo truyền thống Đạo Gia là Xung Hư Kinh. Thiên văn sách được nói đến trong lá thư này chính là thiên Lực Mạng của sách Liệt Tử.

[53] Năm 418 trước Công nguyên, Điền Hằng đánh bại tướng của Tề Giản Công. Tề Giản Công phải bỏ trốn, sau bị giết, Điền Hằng trở thành vua nước Tề. Tề Giản Công là hậu duệ của Khương Thượng (Khương Tử Nha).

[54] Hòa Thượng Vân Cốc không rõ năm sanh và mất, là một vị cao Tăng thuộc tông Lâm Tế, sống vào thời Nam Tống. Thoạt đầu theo học với Thạch Khê Nguyệt Tâm, được nối pháp vị này. Năm Bảo Hựu thứ 4 (1256) đời Tống Lý Tông, Sư trụ trì chùa Thánh Thọ ở Tô Châu, rồi chùa Bản Giác ở Gia Hưng, chùa Khai Nguyên ở Kiến Ninh (Giang Tây), cuối cùng trụ trì chùa Vân Nham tại núi Hổ Khâu ở phủ Bình Giang, còn để lại bộ Vân Cốc Hòa Thượng Ngữ Lục gồm 2 quyển.

[55] Đạo Tế (1150-1209), người huyện Lâm Hải (tỉnh Chiết Giang) đời Tống, thuộc phái Dương Kỳ tông Lâm Tế. Sư họ Lý, tên Tâm Viễn, tự là Hồ Ẩn. Năm 18 tuổi, xuống tóc tại chùa Linh Ẩn, thị hiện cuồng điên, ăn thịt chó, uống rượu, nên người đời gọi là Tế Điên. Trước sau, Sư tham học với các vị Pháp Không Nhất Bổn chùa Quốc Thanh, Đạo Thanh ở chùa Kỳ Viên, Đạo Tịnh chùa Quán Âm, sau trở thành môn hạ của ngài Hạt Đường Huệ Viễn ở núi Hổ Khâu, nối pháp vị này. Sư lại ở nhờ chùa Tịnh Từ, khi chùa bị cháy, Sư bèn đi quyên mộ xây dựng lại. Sư thường hiện nhiều chuyện thần dị. Chẳng hạn như cư dân ở Tần Hồ ăn ốc chặt bỏ phần đuôi vỏ ốc. Sư thường nhặt lấy bỏ xuống hồ, ốc lại sống lại không có đuôi. Năm Gia Định thứ hai (1209), Sư đoan tọa nhập diệt, thọ sáu mươi tuổi.

[56] Tác phẩm này do ông Đinh Phước Bảo biên soạn. Trong Ấn Quang Văn Sao Tam Biên, quyển 4, phần thư gởi cho Đinh Phước Bảo, Tổ có khen ngợi: “Sách này từ cạn vào sâu, sự tích nhân quả, luân hồi báo ứng và vãng sanh Tây Phương đều như đèn soi cho người đang ở trong nhà tối”.

[57] Nghiêm từ: tiếng gọi tỏ vẻ kính trọng cha mẹ người khác.

[58] Bắc Câu Lô Châu (Uttara-kuru), còn phiên là Bắc Uất Đan, Bắc Đan Việt, Uất Đan Việt, Uất Đa La La Cứu Lưu, Ốt Đát La Câu Lô, dịch nghĩa là Thắng Xứ, Thắng Sanh, Cao Thượng. Theo các kinh Trường A Hàm, kinh Đại Lâu Thán, kinh Khởi Thế, kinh Đại Pháp Cổ, Lập Thế A Tỳ Đàm Luận và Câu Xá Luận thì Uất Đan Việt là một trong bốn đại châu ở quanh núi Tu Di, thuộc vùng biển nước mặn ở phía Bắc Tu Di. Châu này vuông vắn, mỗi bề rộng hai ngàn do-tuần, hình dáng như nắp hộp, được bao quanh bởi bảy núi vàng và núi Đại Thiết Vi. Vàng ròng làm đất, ngày đêm luôn sáng sủa. Nhân dân cõi ấy mặt mũi giống nhau, luôn an vui, không có những khổ nạn, người ác, tranh chấp. Đồ vật toàn bằng chất báu như vàng bạc, lưu ly… Mọi tài sản là của chung. Nam nữ sống riêng mỗi nơi, nếu khởi dâm dục bèn ân ái cùng nhau. Người nữ mang thai bảy ngày bèn sanh con, đặt bên vệ đường, mọi người đều đến nuôi dưỡng, dùng dầu ngón tay đút cho liền tiết sữa. Bảy ngày liền khôn lớn, bằng với người hai mươi tuổi ở Diêm Phù Đề, sống thọ ngàn năm. Đến khi lâm chung sanh lên trời Đao Lợi hoặc trời Tha Hóa Tự Tại. Ba châu khác đều có địa ngục, riêng châu này không có (theo Phật Quang Sơn Tự Điển).

[59] Lâm Văn Trung Công chính là Lâm Tắc Từ (1785-1850), người Hầu Quan, tỉnh Phước Kiến, đỗ tiến sĩ dưới đời vua Gia Khánh, tự là Thiếu Mục và Nguyên Vũ. Ông lo việc chính sự sốt sắng, chăm lo đê điều rất hiệu quả nên rất được Thanh Triều coi trọng. Do tận lực bài trừ nha phiến, tháng 6, 1840, ông đã chủ trương tấn công tô giới Hương Cảng, tịch thâu và đốt các rương đựng thuốc phiện. Dưới áp lực của Anh, nhà Thanh cách chức ông đầy đi Y Lê. Do Hoàng Hà vỡ đê, ông lại được triệu về Hà Nam đốc thúc đắp đê rồi lại trở về Y Lê (Tân Cương). Mãi đến năm 1845, mới được xá tội, thăng chức. Hiện ông còn miếu thờ ở Phước Kiến, dân gian gọi là Lâm Văn Trung Công Từ (miếu thờ Lâm Văn Trung Công).

[60] Nguyên văn: “Độc cô thần nghiệt tử kỳ tháo tâm dã nguy, lự hoạn dã thâm, cố đạt”.Chúng tôi dịch câu này theo cách giải thích của sách Tứ Thư Dị Giải. Ở đây, “Nghiệt tử” theo từ điển Từ Hải là đứa con dòng thứ, Nghiệt có nghĩa là ngành nhánh, không thuộc dòng chính.

[61] Thành đồng: tuổi chuyển tiếp từ thiếu niên sang thanh niên, từ 15 tuổi trở lên, 19 tuổi trở xuống

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần thứ tư

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây