Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 117: [THƯ 117]: Thư gởi cư sĩ Từ Úy Như (thư thứ sáu)

Nhận được thư và bản Quán Kinh Nghĩa Sớ của Gia Tường đại sư, duyệt kỹ một lần nữa, văn chương của bản chú sớ ấy quả thật khiến người đọc rối ren. Một câu nói đi nói lại nhiều lần, ý nghĩa hàm hồ, lại chỉ chú trọng giải thích danh nghĩa, trước đã không giảng tường tận duyên do, sau lại chẳng kết về chỗ quy túc. Quang phỏng đoán bản chú sớ chưa chắc đã do chính Gia Tường[43] đại sư viết, có lẽ là do bọn người Nhật Bản cả tin mạo danh đại sư soạn ra. Nếu không, dẫu bị sao chép sai ngoa, cũng chẳng đến nỗi toàn bộ không thành văn lý, tạp nhạp, lụn vụn, trọn chẳng hiển thị được đại nghĩa. Như đoạn văn “núi Tu Di cao vượt khỏi biển cả, tám thứ gió thổi chẳng động, dẫu khiến cho tốt đẹp lại thêm trang nghiêm, vẫn chẳng thể dời động một chữ”thật đáng nghi. Thập Nhất Diện Sớ[44] cũng thế! Bọn họ hâm mộ tên tuổi của bậc cao nhân nước ta, bèn xằng bậy viết sách [mạo danh], chẳng biết chính mình chẳng phải là cao nhân, dù có mạo danh thì cũng chẳng mạo danh được!

Thêm nữa, gần đây ở Bắc Kinh in sách dùng loại giấy Mao Biên, giấy này hiện giờ trông thấy khá tốt, nhưng để lâu bèn bị giòn vụn. Lúc Quang ở Bắc Kinh, thấy những cuốn sách đã hơn trăm năm, giấy đều đã giòn vụn, kẻ thô tâm giở xem, sẽ bị vỡ nát. Tâm tôi đã trộm ngờ, nhưng chẳng biết nguyên do. Năm Quang Tự thứ 31 (1905), hỏi tiên sinh [Dương] Nhân Sơn, ông nói: “Do bị muội than hun”. Thuyết ấy tuy hữu lý nhưng cũng chưa thể dứt lòng ngờ, bởi sách được cất giữ nhiều, há đều cất ở những chỗ có muội than ư? Ở Hồng Loa[45] không có than, sách cũng bị giòn, mới biết tiên sinh nói ra lời ấy cũng chỉ là nghĩ ra lý do, chứ chưa phải căn cứ vào thực nghiệm.

Cho đến năm ngoái, vào Tàng Kinh Viện, cùng một vị chuyên làm sách già đời bàn về tánh chất của giấy; nhân đó nhắc đến chuyện sách cũ ở Bắc Kinh đều bị giòn gẫy, ông cho biết: “Vì in bằng loại giấy Mao Biên! Giấy Mao Biên lúc mới cảm thấy rất dày cứng, kiên cố, do dùng chất liệu bằng cỏ nhiều, chất liệu tre ít, nên để lâu ngày bèn bị giòn. Chất giấy Mao Thái, Trọng Thái không dày chắc như giấy Mao Biên, nhưng để lâu không bị biến chất. Người ngoài nghề thường cho giấy Mao Biên là tốt, những người in sách chúng tôi cũng thích in sách bằng giấy Mao Biên, bởi nó cứng cáp dễ in. Thật ra giấy Mao Thái, Trọng Thái để được lâu hơn”.Quang nghe xong, tâm nghi dứt sạch.

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ HAI- Phần thứ nhất

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây