Tìm Kinh Sách
 
        Kinh Sách FULL

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT

 

Chương 88: [THƯ 88]: Trả lời thư cư sĩ Viên Phước Cầu

Ông nói do Phật Học Toát Yếu[56] chợt nẩy sanh chánh tín thì một là do thiện căn đời trước, hai là do nghiêm từ[57] un đúc nên được như vậy. Ấn Quang là một ông Tăng tầm thường, đối với pháp đạo chẳng hiểu biết gì, chỉ tin tưởng chắc chắn nơi Tịnh Độ mong đới nghiệp vãng sanh; với những ai có chí nguyện tương đồng bèn tùy tiện lấy việc đối đáp làm sự nghiệp của chính mình. Về ý tợ hồ có thể dùng được nhưng văn bút nông cạn, kém cỏi, thật đáng bị bậc cao minh chê cười, khôn ngăn hổ thẹn, bàng hoàng, sao dám nhận tiếng khen “văn từ lẫn nghĩa lý đều viên diệu” cho được! Chẳng sợ vì thế phải vướng lấy tội khiên “đem phàm lạm thánh” hay sao?

Như nói đến Niệm Phật tam-muội, nói có vẻ dễ, đạt được thật khó! Chỉ nên thường nhiếp tâm, khẩn thiết niệm, lâu ngày sẽ tự đạt được. Dù chẳng thể đạt được, vẫn do công đức tin tưởng chân thành, nguyện thiết tha, nhiếp tâm tịnh niệm ắt sẽ ngầm được đức Phật tiếp dẫn, đới nghiệp vãng sanh. Sự nhất tâm, nếu ước về Lý theo như đại sư Ngẫu Ích đã phán định thì còn chưa phải là thân phận của người tu hành hiện thời, huống gì Lý nhất tâm ư? Vì đoạn Kiến Tư Hoặc mới gọi là Sự nhất tâm; phá vô minh chứng Pháp Tánh mới gọi là Lý nhất tâm. Nếu là bậc trong ngầm tu hạnh Bồ Tát ngoài hiện làm phàm phu thì với hai thứ nhất tâm này cố nhiên đều chẳng khó khăn gì! Nhưng nếu thật sự là hạng phàm phu đầy dẫy phiền não thì Sự nhất tâm còn chưa mấy ai đạt được, huống gì Lý nhất tâm? Xin hãy xem kỹ bức thư trao đổi thật dài giữa Ấn Quang và vị cư sĩ X… ở Vĩnh Gia ắt sẽ biết.

Còn như sau khi ngộ Vô Sanh, hộ trì, gìn giữ, tiêu dung tập khí còn thừa sót, lúc ấy sẽ tự hiểu rõ, cần gì phải hỏi trước? Như người uống nước, lạnh -nóng tự biết. Nếu không, dù người uống có mô tả đến mười phần đích xác, người chưa uống rốt cuộc vẫn chẳng biết mùi vị ra sao! Vì cư sĩ xem chuyện ngộ Vô Sanh Nhẫn là dễ dàng, lại sợ mình ngộ rồi chẳng biết gìn giữ hộ trì đến nỗi các tập khí khác lại khởi lên, được rồi lại bị mất đi nên mới hỏi như thế. Chân Vô Sanh Nhẫn, kẻ tiểu căn thật không thể đạt được, vì phải phá vô minh chứng Pháp Tánh, thấp nhất là bậc Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo, hoặc bậc Sơ Địa trong Biệt Giáo [mới hòng làm được], nói dễ dàng sao! Xin hãy hành theo những gì đã nói trong Ấn Quang Văn Sao, đợi đến khi nào biết được gốc ngọn của pháp môn Tịnh Độ cũng như Tín - Nguyện - Hạnh chẳng bị các dị thuyết của hết thảy tri thức lung lạc, khi ấy nếu còn thừa sức sẽ chẳng ngại gì nghiên cứu kèm thêm các kinh luận Đại Thừa để mở mang trí thức hòng làm căn cứ hoằng dương Tịnh Độ. Như thế dẫu là phàm phu, vẫn có thể tùy cơ lợi sanh, hành Bồ Tát đạo, đừng lầm mong cao xa, sợ rằng chẳng rõ Sự lẫn Lý, khó khỏi bị ma dựa. Lá thư dài trả lời vị cư sĩ X… ở Vĩnh Gia chuyên trị căn bệnh ấy. Bệnh ông và bệnh ông ấy tuy tên gọi khác nhau, nhưng tánh chất là một. Cố nhiên Quang chẳng muốn nói nhiều, mong ông sẽ lãnh hội nơi lá thư đó.

Phải biết người đã ngộ rồi và người chưa ngộ tu trì vẫn giống nhau, nhưng tâm niệm lại khác. Người chưa ngộ Vô Sanh thì cảnh chưa xảy đến bèn săn đón, cảnh hiện tiền bèn nắm níu, cảnh qua rồi bèn nghĩ nhớ (Hai chữ “phan lãm”攀攬 (tạm dịch là “nắm níu”) chỉ chung những ý niệm yêu ghét, ưa nhàm, đừng nói là yêu mến mới là nắm níu, còn ghét nhàm không phải là nắm níu). Người ngộ Vô Sanh thì cảnh tuy sanh diệt nhưng tâm không sanh diệt, giống như gương sáng, đến không dính, đi không lưu dấu. Tâm đối cảnh như gương hiện hình, trọn chẳng có mảy may tư tưởng chấp trước đam luyến. Tuy là đối cảnh vô tâm, nhưng sóng trào biển Hạnh, mây phủ cửa Từ, phàm mọi cương thường luân lý thế gian và những chuyện thượng hoằng hạ hóa mỗi mỗi đều nỗ lực thực hành. Dẫu mất thân mạng, cũng chẳng trái vượt. Lại đừng tưởng “đối cảnh vô tâm” là đối với những chuyện tu trì tự lợi, lợi tha, thượng hoằng hạ hóa đều bỏ sạch; nếu hiểu vậy là dính sâu vào Không Ma, đọa vào Ngoan Không. Do vậy, bác không nhân quả, mặc tình làm điều tối tăm, trở thành đem phàm lạm thánh, hoại loạn Phật pháp, gây nghi ngờ, lầm lạc, là chủng tử A Tỳ địa ngục. Chuyện này quan hệ rất sâu, do vậy Quang chẳng thể không trình bày đại lược sự lợi - hại vậy!

Con người hoằng được đạo, chứ không phải đạo hoằng người. Thế gian loạn là do ác nghiệp của chúng sanh đồng phận cảm vời. Các thuyết tà vạy, hủy báng cũng thế. Phong tục cõi đời biến đổi thoạt đầu là do một hai người phát khởi; trị - loạn, tà - chánh, không gì đều chẳng phải vậy. Sao không luận nơi sức người có thể chuyển biến mà lại chuyên quy về Phật, Bồ Tát hiển lộ thần thông biến hóa? Không phải là Phật, Bồ Tát chẳng thể hiển lộ thần thông biến hóa, nhưng vì chúng sanh nghiệp nặng nên cũng không làm gì được! Ví như mây dầy sương phủ kín, mờ mịt chẳng thấy được mặt trời, há có thể nói là mặt trời không có hay sao? Con người cùng trời đất gọi là Tam Tài; Tăng và Phật, Pháp gọi là Tam Bảo, gọi như thế là là vì ý nghĩa tham dự hỗ trợ công cuộc sanh trưởng, hoằng dương pháp đạo, ông muốn chuyên vứt bỏ sức người, phó mặc cho sức của Phật, Bồ Tát, thiên địa, thì còn có thể được gọi là biết đạo hay chăng? Đời đại loạn, đại bi Bồ Tát thị hiện cứu giúp cũng chỉ cứu được người hữu duyên. Do loạn là đồng nghiệp, còn những túc nhân (nhân trong đời trước), duyên hiện thời chính là biệt nghiệp. Có biệt nghiệp cảm được Bồ Tát thì sẽ được Bồ Tát gia bị cứu giúp, há nên bàn luận hỗn độn! Phương tiện thuận - nghịch của Bồ Tát, sự cứu giúp chúng sanh, chẳng phải là chỗ thấy biết của kẻ thấy lầm biết sai!

Nay tôi vì ông nêu một thí dụ, do đây sẽ suy ra, đừng nói chi Bồ Tát, dẫu là oan gia thật sự cũng có thể khéo tạo thành nền tảng để nhập đạo thành Phật. Chư Phật lấy Tám Khổ làm thầy, thành vô thượng đạo, khổ là cái gốc để thành Phật. Thêm nữa, Phật dạy đệ tử lúc ban đầu phải tu Bất Tịnh Quán, quán lâu ngày sẽ đoạn Hoặc chứng Chân, thành A La Hán, như vậy Bất Tịnh lại chính là cái gốc của thanh tịnh. Người Bắc Câu Lô Châu[58] trọn không có khổ, vì thế chẳng thể nhập đạo. Nam Diêm Phù Đề sự khổ quá nhiều nên người nhập đạo liễu sanh tử chẳng thể tính nổi số! Giả sử thế gian trọn không có những nỗi khổ sanh lão bệnh tử, đao binh, thủy, hỏa v.v… thì ai nấy sống say chết mộng trong vòng dục lạc, ai chịu phát tâm xuất thế để cầu liễu sanh thoát tử? Còn như nói người nắm giữ quân mạnh, ở địa vị cao, gây ra đủ mọi chuyện khổ não chúng sanh cũng rất có thể là bậc đại bi thị hiện đó chăng? Nghĩa này chỉ có thể nói với người thông hiểu, chẳng thể nói cùng kẻ vô tri thức! Nếu là người thông suốt thì dù gặp ác ma thật sự cũng được lợi ích; kẻ vô tri nếu biết nghĩa này sẽ chẳng biết phát tâm tu hành; trái lại còn hủy báng Phật pháp! Ví như dùng thuốc, trẻ nít chẳng chịu uống thuốc, bèn bôi lên vú, trẻ không uống bèn thành ra uống. Ông muốn làm bậc thông nhân phô rộng nghĩa này thì hại người nhiều, lợi người ít, xin hãy im lặng, chớ bàn nói xằng. Cảnh giới của Phật, Bồ Tát, phàm phu chẳng thể dò lường được!

Trung Quốc nghèo yếu là do chẳng nương vào lễ nghĩa, nếu y theo lễ nghĩa đâu đến nỗi yếu nghèo! Thử hỏi đến cái nhân của sự yếu nghèo chẳng phải điều thứ nhất là do bọn tham quan ăn hối lộ làm lợi cho ngoại nhân đó ư? Ông chưa nhận rõ nguồn bệnh, nên mới nói thuốc không kiến hiệu, có thể gọi là trí hay chăng? Ngoại quốc mạnh là vì nước họ nhỏ, nếu chẳng đồng tâm hiệp lực, sẽ chẳng thể tự lập. Trung Quốc mỗi người một ý, dù có đồng tâm, nhưng hễ ngoại nhân đem lợi ra dụ, bèn bị của hối lộ xoay chuyển, chẳng những không đoái đến nước, đến dân, ngay cả chính bản thân mình cũng chẳng đoái hoài, rồi bảo là do phụng hành lễ nghĩa nên bị thua thiệt, há có được chăng? Xưa Lâm Văn Trung Công[59] đuổi kẻ mọi rợ, chính là chứng cớ. Bất cứ chuyện lớn - nhỏ nào về sau, có chuyện nào chẳng phải là thay mặt cho Trung Quốc châu toàn đó ư? Người Trung Quốc quá nửa là hạng người quên mất tám chữ (tức hiếu, đễ, lễ, nghĩa, trung, tín, liêm, sỉ), cho nên ngoại quốc mới mạnh như thế, Trung Quốc yếu ớt như thế! Nếu như ai nấy đều tuân thủ lễ nghĩa thì những hàng hóa vô ích của ngoại quốc tiêu thụ vào đâu, Trung Quốc mỗi năm tiết kiệm được mấy ngàn vạn vạn đồng. Người Trung Quốc không làm, nhưng thật sự có thể nói là làm đến cùng cực. Mạnh Tử nói: “Kẻ làm quan không được sủng ái, đứa con dòng thứ, thường bận lòng về những nguy cơ, lo lắng hoạn nạn sâu xa, cho nên thông đạt”[60].

Ông tuy đọc sách trải đời, nhưng không biết cái đạo đọc sách thấu hiểu đời nên mới có lời hỏi như thế! Kế sách ngày nay là phải nên đề xướng nhân quả báo ứng, sanh tử luân hồi và cải ác tu thiện, tín nguyện vãng sanh là kế bậc nhất để vãn hồi kiếp vận, cứu nước cứu dân. Đàm huyền thuyết diệu còn phải xếp vào loại kém hơn. Nhưng muốn cứu thế mà chính bản thân không tận lực hành, trọn chẳng có hiệu quả thật sự. Từ bản thân đến cả nhà, từ cả nhà đến cả ấp, từ ấp đến nước. Phong hóa ấy vừa xướng, rất có thể sẽ có hiệu quả chẳng thể nghĩ tưởng được nổi! Nếu không, sẽ khó thể mộng thấy được!

 

Nam Mô A Di Đà Phật!
ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO
(Tăng Quảng Chánh Biên)
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
(trọn bộ - giảo duyệt hoàn tất ngày 26 tháng 11 năm 2006)
QUYỂN THỨ NHẤT- Phần thứ tư

/238
 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây